Tháp Ponagar còn gọi là Tháp Bà nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông của thành phố Nha Trang. Thời điểm tháp được xây dựng cũng là thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hưng thịnh nhất tại vương quốc Chămpa cổ.
Tương truyền, nữ thần Thiên Y A Na Thánh Mẫu là vị tiên giáng trần, đã có công dạy nhân dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải... Công đức của Thánh Mẫu luôn được người dân Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ghi ơn.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tổng thể kiến trúc của tháp Bà có 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà hiện nay đã không còn nữa. Từ tháp cổng sẽ có những bậc thang bằng đá kéo dài dẫn lên tầng giữa.
|
Tháp Bà Ponagar với lễ hội Tháp Bà được tổ chức hàng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. (Ảnh: KV). |
Tầng giữa hiện nay chỉ còn lại hai dãy cột chính dựng bằng gạch hình bát giác. Mỗi bên gồm 5 cột lớn đường kính khoảng 1m, cao hơn 3m, 12 cột nhỏ và thấp hơn đặt ở hai bên. Tất cả đều nằm trên một nền gạch cao hơn 1 mét. Người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ ngơi và chuẩn bị lễ vật trước khi lên các điện bên trên để dâng cúng. Từ tầng giữa này có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn thẳng lên tầng trên cùng.
Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng, ngay phía trước ngôi tháp chính với hai dãy tháp được bao quanh bởi tường đá. Dãy tháp ở phía trước có 3 ngôi và dãy tháp phía sau với dấu vết của ba ngôi tháp khác. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh mà hiện nay chỉ còn lại 1 ngôi.
Tòa tháp được xây dựng dựa theo lối kiến trúc đặc trưng của người Chăm. Với lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về phía đông, mặt bên ngoài có rất nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử...
|
Lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể từ ngày 20-23 tháng Ba (Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn du khách. (Ảnh: KV). |
Tháp thờ chính của dãy phía trước khá lớn và cao khoảng 23 mét. Một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc của cư dân Chămpa cổ. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và kỹ thuật chạm nổi. Bên trong tháp khá tối và lạnh. Phía cuối tháp có một bệ thờ bằng đá ở ngay dưới tượng Bà Po Nagar mười cánh tay. Hai bàn tay ở dưới đặt lên trên hai đầu gối, các bàn tay còn lại sẽ cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy, cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung, tù và ở bên trái
Xung quanh di tích hiện nay còn có một số tượng người, tượng thú… Trên đỉnh tháp là tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, cùng các tượng linh vật khác như thiên nga, dê, voi,… Mặt ngoài tháp được trang trí với những hình điêu khắc như vũ công, người chèo thuyền, xay gạo, đi săn…
Suốt quá trình tồn tại và phát triển, người Chămpa đã để lại những di sản văn hóa khổng lồ. Văn hoá Chămpa có ý nghĩa to lớn cả về vật chất và tinh thần dọc dải đất miền Trung. Tháp Ponagar chính là một thành tựu tiêu biểu nhất về nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và tôn giáo, tín ngưỡng, một chứng tích rõ ràng cho sự ảnh hưởng lớn mạnh của Hindu giáo đối với người Chăm và sau này là người Việt. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Hàng năm, tại Tháp Bà Ponagar, lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể từ ngày 20-23 tháng Ba (Âm lịch). Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn như trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống. Lễ hội Tháp Bà đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2012.
Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, Người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponaga Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một người phụ nữ đã có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông.
Theo thời gian và xu thế phát triển của xã hội hiện đại, nghi thức lễ hội có nhiều thay đổi, nhưng dù thế nào, trong những ngày này, người Kinh vẫn nao nức tổ chức hàng trăm đoàn múa bóng, dâng hoa, còn người Chăm tưng bừng vỗ trống ghinăng, paranưng, say sưa kéo đàn kanhi và hát dân ca.
Tháp Bà Ponagar với lễ hội Tháp Bà được tổ chức hàng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. Mỗi dịp lễ hội là một cơ hội để bà con trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ. Thông qua lễ hội còn góp phần giới thiệu nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian ở Khánh Hòa đến mọi người. Đây cũng là dịp nhằm chung tay kích cầu hoạt động du lịch của địa phương.