Người Sán Chay có các tên gọi khác như Hờn Bán, Chùng, Trại..., nhóm địa phương có Cao Lan và Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Dân tộc Sán Chay có 201.398 người, sinh sống tập trung tại tỉnh Thái Nguyên với 39.472 người, tỉnh Quảng Ninh 16.346 người, tỉnh Phú Thọ 4.278 người và một số tỉnh thành khác trong cả nước.
Dân tộc Sán Chay có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc phản ánh qua hệ thống các lễ hội lâu đời, phong tục, tín ngưỡng, chuyện cổ tích, thơ ca. Trong nền văn hóa Sán Chay, trang phục dân tộc có vai trò nổi bật, phản ánh đậm nét dấu ấn dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong những dịp Lễ, tết hay chợ phiên đồng bào Sán Chay thường mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đây là dịp nhắc nhở mỗi người Sán Chay biết trân quý, gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc mình.
Đồng bào Sán Chay có kỹ thuật trồng bông dệt vải từ rất sớm, vào tháng 4, tháng 5, họ trồng bông trên nương, tháng 9, tháng 10 thu bông về kéo sợi dệt vải, nhuộm các màu chàm, nâu, đỏ, vàng để may váy áo.
Trang phục phụ nữ Sán Chay sử dụng có váy chàm dài ngang bọng cổ chân; áo đi theo cặp: Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc nhưng thường là áo sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ, chiều dài áo ngang cùng với váy.
Đi liền với trang phục truyền thống, phụ nữ Sán Chay vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Những ngày lễ, tết mỗi cô gái Sán Chay đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được khéo léo kết hợp để phù hợp với trang phục của mình.
Trang phục nam giới người Sán Chay mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên nét khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Áo sử dụng màu chàm chủ đạo, có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho công việc, lao động, sản xuất trong đời sống hằng ngày.
|
Các thanh niên người Sán Chay, tỉnh Thái Nguyên trong Lễ cầu mùa một hoạt động truyền thống của dân tộc mình. |
Người Sán Chay không trồng cây để lấy nguyên liệu dệt vải, họ mua vải của tộc người khác, họ chỉ tạo ra trang phục của mình từ khâu nhuộm vải, nhưng cũng không vì thế mà trang phục của họ mất đi bản sắc riêng của tộc người.
Theo các nghệ nhân Sán Chay, tỉnh Thái Nguyên để nhuộm mầu cho trang phục, cây chàm trồng trong tự nhiên được lấy về, rửa sạch, cắt khúc ngâm vào vại. Qua một đêm, thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều, để lắng trong khoảng 30 phút. Vải sẽ được đem ngâm hỗn hợp nước này cùng với một số loại lá cây rừng. Qua nhiều lần nhuộm và phơi nắng, vải sẽ sẫm lại giống như màu của núi rừng.
Vải trang phục cho nam giới được người phụ nữ nhuộm bằng củ nâu, đơn giản hơn và không mất nhiều thời gian như của nữ giới. Từ chất liệu củ nâu vải được nhuộm đến khi chuyển sang mầu chàm sẫm, màu sắc đẹp do kinh nghiệm nhuộm thủ công của người phụ nữ Sán Chay.
Để có màu vải đẹp, kinh nghiệm nhuộm vải, cách pha chế nước nhuộm vải người phụ nữ Sán Chay được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những kỹ thuật nhuộm mầu và may trang phục theo phương pháp thủ công truyền thống, góp phần tạo lên chỉnh thể vẻ đẹp trang phục dân tộc của người Sán Chay. Một đặc trưng văn hóa người Sán Chay không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều tư liệu khoa học có giá trị, đồng thời góp phần cho bức tranh văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc mầu.