Trò chơi dân gian lãng mạn của người H’Mông, Thái

Thứ hai, 08/05/2023 11:02
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời ở vùng Tây Bắc đất nước, đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái hình thành và lưu giữ một nền văn hóa đặc sắc, đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, trò chơi dân gian có ý nghĩa tạo niềm vui phấn khởi, tái tạo sức lao động sau những ngày tháng dài lao động miệt mài, đồng thời lưu giữ những nét lãng mạn về tình yêu trong sáng của các thanh niên nam, nữ dân tộc H’Mông và dân tộc Thái.

Trong những dịp đầu năm, hay những ngày lễ, Tết, ngày vui của cộng đồng của người H’Mông, người Thái. Du khách lại có dịp hòa mình với những trò chơi dân gian ném pao, tung còn, đánh lông gà, thổi sáo… những trò chơi không chỉ giúp tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, còn phản ánh những nét lãng mạn, tinh tế về tình yêu của các thanh niên nam, nữ dân tộc H’Mông và dân tộc Thái ở miền Tây Bắc đất nước.

Với đồng bào dân tộc Mông có nhiều trò chơi dân gian như: Ném pao, đẩy gậy, rồng ấp trứng, bắn nỏ, tu lu… những trò chơi dân gian này thu hút đông đảo người dân tham gia, đã được lưu truyền gìn giữ như một nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc H’Mông. 

 Đồng bào H’Mông, Thái giao lưu ném còn ngày hội.

Trong số các trò chơi dân gian, ném pao, đánh cầu lông gà của người H’Mông là một cách thể hiện tình yêu đôi lứa thú vị. Trong ngày hội, khi chàng trai ưng ý một cô gái, họ khéo léo thể hiện tình cảm của mình qua ánh mắt, nụ cười, chàng trai rủ cô gái cùng hát giao duyên và chơi đánh lông gà. Trong số nhiều bạn chơi cùng chơi cầu, đôi trai gái dần chỉ đánh cầu riêng cho nhau, ngầm bày tỏ tình ý thầm kín của mình, để rồi sau đó đi tới tìm hiểu nhau, để có thể về thưa với cha mẹ và đi đến một cuộc hôn nhân trọn vẹn.

Còn trái pao được các cô gái H’Mông khâu từ những miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh với quan niệm tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Pao cũng được ví như “ông tơ bà mối” để các thanh niên H’Mông quen biết và tỏ lời yêu đương. Sau mỗi cuộc chơi, quả pao được tặng lại cho bạn chơi để có cớ đến thăm nhà và tìm hiểu nên duyên. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao. Qua những lần ném pao, đánh lông gà trong ngày hội, không ít chàng trai, cô gái H’Mông đã nên duyên, thành vợ chồng.

Với người Thái, ném còn - trò chơi dân gian hấp dẫn, ẩn chứa đó bao điều lý thú. Ném còn được chơi theo hai cách. Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Trò chơi này diễn ra vào dịp xên bản, xên mường, ngày xuân. Trai gái Thái mặc trang phục truyền thống đẹp, họ chọn một bãi đất bằng phẳng chơi còn. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần đôi nào có tình ý tự khắc ném còn riêng cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua trái còn trong ngày hội sau này nhiều đôi đã nên vợ chồng.

Cách thứ hai là tung còn vòng hay “tọt con vong”, trò chơi dân gian dành mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, mang tính cộng đồng rất cao. Ở giữa bãi đất rộng, người ta chôn một cây tre thẳng đứng cao khoảng 10m, đầu trên cao gắn một vòng tròn đường kính khoảng 50 - 70cm, trên vòng gắn vải xanh, đỏ, tím, vàng, ở dưới thả buông vải để khi người chơi tung còn trúng vòng dễ phát hiện ra.

Quả còn của người Thái được khâu bằng những miếng vải đủ màu sắc, trong nhồi hạt bông, thóc giống, muối ăn và một ít trấu, mang ý nghĩa của sự no đủ. Loại còn của người Thái ở Nghĩa Lộ (Mường Lò, Yên Bái) có dây làm như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, với ý nghĩa mang mọi điều may mắn, tốt lành cho một năm mới.

  Quả còn hòa quyện văn hoá giao duyên người Thái.

Theo những người Thái, tài khéo léo của người ném còn là không để cho còn rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả còn của bạn chơi ném sang. Với người Thái, quả còn không chỉ là trò chơi dân gian đem lại sự sảng khoái cho cộng đồng, đó còn là nhịp cầu kết nối tình yêu đôi lứa, lưu dấu một nét đẹp trong bức tranh văn hóa Thái đậm đà bản sắc.

Khả năng kết nối cộng đồng của trò chơi dân gian, cho thấy mối quan hệ, giao lưu của các dân tộc vùng Tây Bắc gần gũi, có sự học hỏi, giao thoa với nhau. Thể hiện tinh thần đoàn kết, sự hài hòa trong cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, nhiều trò chơi như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn…đã trở thành những môn thi đấu thể thao dân tộc tại các hội thi khu vực và toàn quốc. Các chàng trai, cô gái dân tộc H’Mông, Thái đã sôi nổi tham gia vào các hoạt động thể thao, đạt thành tích cao trong các cuộc thi khu vực và toàn quốc.

Cùng đó, những trò chơi ném pao, tung còn đã theo chân các chàng trai, cô gái H’Mông, Thái tới nhiều vùng miền đất nước, giới thiệu một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào H’Mông, Thái ở miền Tây Bắc đất nước.

Bài, ảnh: Giang Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực