Tục lệ trao kiếm trong đám cưới của người Bru – Vân Kiều

Thứ ba, 11/06/2024 16:33
(ĐCSVN) - Người Bru – Vân Kiều là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, họ thuộc hệ ngữ tộc Môn – Khmer. Người Bru – Vân Kiều sinh sống tại 39 trên 63 tỉnh, thành ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ tập trung sống chủ yếu tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Người Bru – Vân Kiều hiện nay, vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống độc đáo. Điều này thể hiện rất rõ thông qua đám cưới của họ, với nhiều nghi lễ, tục lệ thú vị, độc đáo.
 Đám cưới người Bru – Vân Kiều có nhiều nghi lễ độc đáo, thú vị.

Người Bru – Vân Kiều tập trung sinh sống tại vùng núi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Cuộc sống của họ gắn liền với việc làm nương, làm rẫy chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các cô gái, chàng trai người Bru – Vân Kiều khi đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu nhau, không hề bị cha mẹ ngăn cấm. Cứ đến mùa trăng sáng, họ lại có những buổi đi tìm sim khi những câu hát “giao duyên” được sử dụng để đối đáp với nhau. Họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.

Sau khi cả cô gái và chàng trai đã thuận tình đến với nhau, họ phải về thưa với cha mẹ để được kết duyên vợ chồng. Nhà trai thường là bên chủ động, họ sẽ mời ông mối đến để đưa sính lễ là những đồng bạc, đây được gọi là lễ bỏ của giữa hai gia đình. Sau khoảng hai đến ba lần đưa những đồng bạc. Nếu nhà gái ưng thuận, thì họ sẽ trả lại bạc, lúc ấy, ông mối bắt đầu đến nhà trai để bàn bạc chuyện rước dâu làm lễ cưới hỏi.

Theo quan niệm của người Bru – Vân Kiều, đám cưới nên diễn ra vào các ngày đẹp, thường được tổ chức vào đầu năm hoặc cuối năm. Trong thời gian cưới, nhà trai, nhà gái có nhiều nghi lễ phải thực hiện. Ví dụ như lễ vật phải có một đến ba con dê hoặc lợn, phải có một buồng chuối, có ché rượu cần do nhà trai tự làm.

Cô dâu khi về nhà chồng phải trải qua nhiều nghi lễ phức tạp như: bắc bếp, rửa chân, ăn cơm chung với nhà chồng,… Nhưng một trong những nghi lễ quan trọng nhất, được tổ chức nghiêm ngặt nhất đó là trao kiếm. Trước đám cưới, nhà trai sẽ phải chuẩn bị cho chú rể một thanh kiếm có chiều dài khoảng 60 cm nó tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, kiên cường.

Thanh kiếm nhằm xua đuổi tà ma, đem lại may mắn cho cặp vợ chồng mới cưới.

Thanh kiếm này đi cùng với một chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng, trở thành vật phẩm không thể thiếu trong mỗi đoàn xin dâu của nhà trai. Đại diện nhà trai bắt buộc phải trao cho đại diện nhà gái thanh kiếm để hoàn thành thủ tục xin dâu, rồi mới được phép đón cô về nhà mình. Tục lệ trao kiếm này xuất phát từ việc người Bru – Vân Kiều có tục thờ vật tổ như thanh kiếm, mảnh bát,… Đặc biệt, trao kiếm còn mang hàm ý những thế lực ma quỷ xấu xa sẽ không thể đến để quấy phá cuộc sống của cặp vợ chồng mới cưới được. Ngoài ra, nó còn thể hiện cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ và chồng vì người Bru - Vân Kiều quan niệm chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể rời nhau, chính vì vậy mà đôi vợ chồng cũng không thể thiếu nhau. 

Nhà trai đến đón dâu theo thông lệ sẽ không về ngay lập tức, mà họ thường ở lại cùng nhà gái mở tiệc suốt đêm. Đây là lúc hai bên thông gia trò chuyện, ăn uống, chia sẻ về niềm hạnh phúc khi con cái trong nhà đã trưởng thành, sắp sửa nên vợ, nên chồng. Ngoài ra, khách khứa, hàng xóm cũng được mời đến tham gia. Những người đến dự không những được chủ nhà niềm nở tiếp đón, mà còn có quà bánh mang về, đó là những chiếc bánh dầy và vải váy xấn.

Hiện nay, dù xã hội đã có nhiều biến đổi, cuộc sống ngày càng tấp nập, bận rộn hơn. Tuy nhiên, đám cưới của những người Bru – Vân Kiều thì vẫn không thay đổi, họ giữ những truyền thống cũ. Đặc biệt là tục trao kiếm, đối với họ, đây là một lời chúc phúc của cả cộng đồng, gia đình dành cho cặp đôi mới cưới. Đặc biệt, đám cưới là dịp để cộng đồng người Bru – Vân Kiều gắn kết với nhau, khi họ cùng tham gia vào các nghi lễ để ăn mừng cho những cô gái, chàng trai nên duyên vợ chồng.

Bài, ảnh: Hùng Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực