Về đất Tổ nghe điệu hát Xoan

Thứ năm, 27/04/2023 16:25
(ĐCSVN) – Hát Xoan không chỉ xuất hiện sớm mà được lưu truyền tồn tại qua bao đời nay. Thể loại Xoan cũng rất phong phú, từ nội dung, làn điệu, đến các điệu múa được biến tấu phù hợp với nơi trình diễn, kể cả trang phục cũng được ăn mặc đúng với nghi lễ.

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ, gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu, di sản hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được là nhờ trong nghi thức có hát Xoan.

Các làng Xoan gốc ở tỉnh Phú Thọ đều có nguồn gốc từ những ngôi làng cổ ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa của thời đại bình minh dựng nước.

Nguồn gốc của Hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước, theo đó hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát, mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng… Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc, hát Xoan xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV (tức là đời hậu Lê), lời ca Xoan có những đặc điểm như hình thức, văn chương của thế kỷ XV, nghĩa là hình thể chưa cố định, vừa gồm các thể thất ngôn, vừa xen kẽ những câu 6 tiếng.

Hát Xoan không chỉ xuất hiện sớm mà được lưu truyền tồn tại qua bao đời nay. 

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình,” là hình thức nghệ thuật đa yếu tố gồm ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Hát Xoan có đến mấy chục làn điệu khác nhau trong đời sống xã hội thời đại Văn Lang - Hùng Vương truyền lại, được chia làm ba phần chính: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám.

Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách.

Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê – Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá…

Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.

Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: Hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá… Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.

Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông Trùm. Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự.

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình". 

Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa.

Với những giá trị nổi bật, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), Hồ sơ Hát Xoan-Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Sau 6 năm Hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017 - 2023), Phú Thọ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, khẳng định được sức sống bền vững của Hát Xoan trong đời sống đương đại.

Với mong muốn biến di sản Hát Xoan Phú Thọ thành tài sản, những năm qua, Phú Thọ khai thác bền vững giá trị của di sản này bằng cách gắn với phát triển du lịch, đưa Hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Nếu trước đây, Hát Xoan được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) thì ngày nay còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 37 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia, 64 câu lạc bộ cấp huyện với 1.325 thành viên và 42 câu lạc bộ cấp xã với 1.430 thành viên. 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường. Các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ hát Xoan trong đời sống cộng đồng.

Cùng với đó, việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản Hát Xoan được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đăng tải tin, bài, phóng sự về Hát Xoan; tổ chức tốt các chương trình trình diễn Hát Xoan gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Phương Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực