Quần thể tháp là một đặc trưng kiến trúc, văn hóa của người Chăm ở Việt Nam, lan tỏa lịch sử, văn hóa Chăm tới nhiều vùng cả nước. Quần thể đền tháp hiện nay đã trở thành những di sản văn hóa tiêu biểu như Khu di tích Mỹ Sơn (xây dựng thế kỷ IV đến thế kỷ XIII), tại tỉnh Quảng Nam; khu tháp bà Ponnaga, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khu di tích văn hóa Chăm, tỉnh Bình Định; khu tháp Chăm tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội)…
Gắn kết với không gian văn hóa những khu đền tháp là nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu hay đời sống tín ngưỡng lâu đời của người Chăm. Trong các loại hình nghệ thuật của người Chăm có các vũ điệu, phản ánh quá trình dài lao động, sáng tạo nghệ thuật người Chăm, nó kết tinh trí tuệ, tài hoa, khả năng cảm thụ nghệ thuật của người Chăm, các hoạt động nghệ thuật này luôn gắn kết mật thiết với đời sống tín ngưỡng, các thần linh, các nghi lễ truyền thống.
|
Múa Chăm bên đền tháp, tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, múa Chăm rất phong phú, đa dạng về nội dung và thể loại, với khoảng 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần theo tín ngưỡng Chăm. Các điệu múa được sử dụng với nhiều chức năng, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bốn điệu múa Chăm chính là múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa. Các điệu múa Chăm nổi bật có múa dâng lễ, múa quạt (Tamia tadik), múa đội nước (Tamia dwa buk), múa nghi lễ (Tamia carit), múa đạp lửa (Tamia jwak apwei), múa Chọa ba tài (múa Đạp lúa), múa chim trĩ (Bayen), múa hoàng tử (Patra), đánh đu (dai buah), múa khây trầu, múa chèo thuyền (tamia hua gaiy)…
Nổi bật trong các vũ điệu dân gian Chăm có điệu múa đội nước, còn gọi là Tamia dwa buk, các cô gái đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái khay (ka ya) đựng hoa quả hoặc bộ ấm chén bằng đất nung. Trên khay có bình gốm hoặc ấm thường đựng nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Từ những động tác thực tế trong sinh hoạt lao động ấy, người Chăm đã sáng tạo ra điệu múa "đội nước" (ndoa buk). Điệu múa đội nước là sự kết hợp khéo léo và tài tình giữa điệu múa Biyen (chim công) và công việc lao động hàng ngày mà ta luôn bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong các làng người Chăm. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý.
Một điệu múa khác là múa đạp lửa thể hiện sự mạnh mẽ, trung kiên của người đàn ông Chăm trong việc bảo vệ xóm làng, quê hương. Múa đạp lửa có từ lâu đời và xuất hiện trong lễ hội Rija Nagar. Khi múa nghệ nhân Chăm tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng, thể hiện sự quyết tâm vượt qua những khó khăn, đi đến chiến thắng.
Bên cạnh các điệu múa trên còn có điệu múa khăn với đạo cụ chính là chiếc khăn, một hình tượng cho tấm lòng trong trắng đáng yêu, hiền dịu của các thiếu nữ Chăm. Nếu các điệu múa của nữ uyển chuyển duyên dáng thì điệu múa của nam thể hiện sự mạnh mẽ, kiên cường trước những khó khăn trong cuộc sống.
|
Điệu múa trống trong nghi lễ người Chăm. |
Các điệu múa Chăm còn thể hiện trong các hình thức hát khấn, nghi lễ, nhạc lễ ca tụng các vị thần linh, diễn ra tại các đền tháp hay trong các lễ hội lớn của cộng đồng.
Đi cùng với các điệu múa Chăm là bộ nhạc cụ trống Ghi-năng, trống Paranưng và kèn Saranai, đây là những nhạc cụ không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào của người Chăm ở các tỉnh Quảng Nam cho tới Ninh Thuận, Bình Thuận hay miền Tây Nam bộ.
Múa Chăm chứa đựng những triết lí nhân sinh quan sâu sắc vì thế luôn mang tới người xem ấn tượng độc đáo, gợi đưa người xem về cõi linh thiêng sâu thẳm với khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan yêu đời của người Chăm. Múa nghi lễ cùng với hát khấn, tụng ca là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm.