Vũ điệu Chăm

Thứ ba, 14/11/2023 14:09
(ĐCSVN) – Nền văn hóa dân tộc Chăm in đậm bản sắc qua những đền đài in bóng lên nền trời xanh, cùng đó những vũ điệu của những cô gái Chăm duyên dáng, uyển chuyển, khắc họa lên bản sắc Chăm bên đền tháp cổ.

Trong nền văn hóa dân tộc Chăm, những ngôi đền tháp là một di sản văn hóa nổi bật của người Chăm ở Việt Nam mang niềm tự hào, sức lan tỏa về lịch sử, văn hóa Chăm tới nhiều vùng miền đất nước.

Trải qua chiều dài lịch sử, quần thể đền tháp đã trở thành những di sản văn hóa, tiêu biểu như Khu di tích Mỹ Sơn (xây dựng thế kỷ IV đến thế kỷ XIII), tại tỉnh Quảng Nam; khu tháp bà Ponnaga, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khu di tích văn hóa Chăm, tỉnh Bình Định; Khu tháp Chăm tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội)… Gắn kết với không gian văn hóa những khu đền tháp là nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc hay đời sống tín ngưỡng lâu đời của người Chăm.

Một đặc trưng văn hóa nổi bật của không gian văn hóa Chăm đó là những điệu múa của người Chăm, loại hình nghệ thuật này gắn kết mật thiết với đời sống tín ngưỡng, bày tỏ sự thành kính tới các thần linh, tạo lên chỉnh thể cho vẻ đẹp các nghi lễ truyền thống. Những điệu múa Chăm là sự kết tinh sự tài hoa, trí tuệ, khả năng cảm thụ văn hóa - nghệ thuật của nhiều thế hệ người Chăm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, múa Chăm có khoảng 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần theo tín ngưỡng Chăm. Bốn điệu múa Chăm chính là múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa. Các điệu múa Chăm nổi bật có múa dâng lễ, múa quạt (Tamia tadik), múa đội nước (Tamia dwa buk), múa nghi lễ (Tamia carit), múa đạp lửa (Tamia jwak apwei), múa Chọa ba tài (múa Đạp lúa), múa quạt… trong đó nhiều điệu múa phản ánh những tập tục sinh hoạt từ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Chăm như điệu múa đội nước, các điệu múa nghi lễ xuất hiện trong không gian lễ hội gắn kết với đời sống tín ngưỡng, các phong tục, tập quán dân tộc Chăm. 

 Điệu múa quạt người Chăm.

Các điệu múa Chăm còn thể hiện trong các hình thức hát khấn, nghi lễ, nhạc lễ ca tụng các vị thần linh, diễn ra tại các đền tháp hay trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Mỗi điệu múa là một nét tinh hoa cùng tạo lên di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm.

Đi cùng các điệu múa Chăm là các nhạc cụ dân gian truyền thống như bộ 3 nhạc cụ trống Ghi-năng, trống Paranưng và kèn Saranai những nhạc cụ xuất hiện trong hầu hết các lễ hội của người Chăm từ các tỉnh Quảng Nam cho tới Ninh Thuận, Bình Thuận hay miền Tây Nam bộ. Hiện nay các vũ điệu dân gian không chỉ diễn ra trên các đền tháp mà được các nghệ nhân Chăm tái hiện trong các hội diễn sân khấu hóa, giao lưu văn hóa, ngày hội văn hóa dân tộc Chăm.

Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa những khu đền tháp Chăm, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng, phát triển những di tích này trở thành những điểm đến tâm linh, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, để thu hút du khách đến với địa phương, qua đó giới thiệu, lan tỏa  những giá trị tốt đẹp về nền văn hóa Chăm giàu bản sắc.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực