Trong nền văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đạo Mẫu là một trong những văn hóa tôn giáo tín ngưỡng dân gian lâu đời, nổi bật bởi sự tích hợp các hiện tượng và giá trị văn hóa mang sắc thái riêng của dân tộc. Hát múa chầu văn là hoạt động quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Cô Đôi Thượng Ngàn (Sơn Tinh công chúa) là một nữ thánh trong đạo Mẫu Việt Nam gắn với những thần tích khởi nguồn từ vùng rừng núi Cúc Phương, Nho Quan, Cao Phong thuộc hai tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình.
Vị Thánh nữ được nhân dân ngợi ca trong ca khúc hát văn nổi tiếng mang tên "Cô Đôi Thượng Ngàn", được phụng thờ tại nhiều địa phương ở vùng Bắc bộ. Nổi bật là Lễ hội phủ Châu Sơn, tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 11 âm lịch tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Từ những thần tích nhuốm màu kỳ ảo về vị thiên thần giáng sinh nhân giới, các nghệ nhân dân gian xưa đã khéo léo truyền tải những giá trị nội dung về sự tích và công đức của Cô Đôi Thượng Ngàn, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật múa dân gian.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, "Cô Đôi Thượng Ngàn" là một sáng tác dân gian tổng hòa nhiều phương thức nghệ thuật, có sự đồng nhất giữa ca hát và hành động con người. Có kỹ thuật diễn xướng khó, đòi hỏi với mỗi thanh nương phải có quá trình dài khổ công luyện tập và biểu diễn.
|
Kỹ thuật “Múa lửa” trong Cô đôi thượng ngàn" đòi hỏi thanh nương phải có kỹ thuật điêu luyện, sự mềm dẻo, và tinh thần hòa quyện, ánh mắt phiêu lãng mang tính tâm linh cao của đạo Mẫu. Ảnh: N Dương. |
Đặc trưng nổi bật của vũ điệu dân gian là sự giao hòa giữa âm nhạc, ca từ và vũ đạo được thể hiện qua tài năng của thanh nương biểu diễn. Trong điệu múa Cô Đôi Thượng Ngàn “Nàng cô của rừng xanh” mang tới sự tươi vui, rộn ràng của miền rừng núi với muôn thú, cỏ hoa cây trái chốn tiên cảnh…
Loại hình nghệ thuật dân gian này có không gian biểu diễn rộng khắp, gần gũi và gắn bó với đời sống tinh thần của người dân, nội dung hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Tại nhiều không gian văn hóa khác, loại hình nghệ thuật dân gian này luôn truyền cảm những sắc thái văn hóa tươi tắn, sinh động đến với công chúng... Trong vẻ đẹp văn hóa dân gian đó luôn ẩn chứa và phô diễn dáng hình của người phụ nữ Việt Nam. Năm 2016, UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những năm gần đây, xu hướng khai thác âm nhạc dân gian, tín ngưỡng hay văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đưa vào các sản phẩm âm nhạc, cho thấy âm nhạc Việt Nam chú trọng tìm tòi, ứng dụng văn hóa cổ truyền dân tộc vào lĩnh vực âm nhạc, biểu diễn. Thực hành diễn xướng dân gian trong đạo Mẫu đang giúp tỏa sáng những giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần đưa tín ngưỡng đạo Mẫu đến gần hơn với công chúng, đồng thời qua đó giúp loại trừ những hiện tượng lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi, làm mất đi vẻ đẹp của Chầu văn trong đời sống xã hội.