Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại

Thứ ba, 17/10/2023 10:32
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Lập Thạch phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại, gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa, liên kết theo chuỗi,…
 Lập Thạch phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại
(Ảnh minh họa: B.T)

Nhiều kết quả nổi bật

Theo UBND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, về kết quả thực hiện xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết tháng 6/2023, toàn huyện có 18/18 xã đạt tiêu chí về quy hoạch, trường học; thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập,…17/18 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thương mại nông thôn, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 16/18 xã đạt tiêu chí về văn hóa; 15/18 xã đạt tiêu chí về lao động; 10/18 xã đạt tiêu chí về giao thông; 4/18 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn,…

Về kết quả xã duy trì đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 2 xã: Thái Hòa, Triệu Đề đã được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận tại quyết định số 1383/QĐ-CT ngày 22/7/2022. Tính đến hết tháng 6/2023, xã Thái Hòa đạt 19/19 tiêu chí. Xã Triệu Đề đạt 18/19 tiêu chí.

Về tiến độ thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, ngày 23/2/2023, UBND huyện Lập Thạch đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. Trong đó, mục tiêu có 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến nay UBND các xã đang tập trung chỉ đạo các thôn thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình kế hoạch đề ra năm 2023.

Đối với xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 (xã Sơn Đông), đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí (quy hoạch; điện; thủy lợi và phòng chống thiên tai; thông tin truyền thông; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, y tế, giáo dục,…)

Về tiến độ thực hiện huyện đạt chuẩn nông thôn mới, theo UBND huyện Lập Thạch, hiện nay, huyện đạt 5/9 tiêu chí (giao thông; thủy lợi và phòng, chốngthiên tai; điện; y tế-văn hóa-giáo dục; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công). Hiện 4/9 tiêu chí chưa đạt.

Phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại

Theo UBND huyện Lập Thạch, trong giai đoạn 2023-2025, toàn huyện sẽ phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại, gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của cư dân nông thôn; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến. Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa, liên kết theo chuỗi, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp,…

Theo đó, toàn huyện phấn đấu 18/18 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 26 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu, đến năm 2025 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định của giai đoạn 2021-2025.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện Lập Thạch cho biết, trong thời gian tới, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, trọng tâm vào các nội dung nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương. Phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện tuyên truyền sâu rộng, với nhiều hình thức phù hợp đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khơi dậy tinh thần tự giác, tính chủ động tham gia của người dân, sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản nhằm phát huy nội lực, tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng cư dân nông thôn. Tiếp tục phát động, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Lập Thạch chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện; quán triệt tư tưởng “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo quy định. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tránh chồng chéo, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực.

Ngoài ra, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP; cho vay hỗ trợ thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn; cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm,.../.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực