|
Ảnh minh họa (Nguồn: N.L) |
Thực hiện Quyết định số 104 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện một số dự án lớn phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin và kịp thời cho ý kiến, giải quyết vướng mắc khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm.
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp (DN), kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.
Trong đó, điển hình là dự án chăn nuôi bò thịt của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam có diện tích khoảng 72ha; tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 với công nghệ hiện đại, khép kín, công suất khoảng 30.000 bò thịt/năm.
Đến nay, dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, phê duyệt đồ án quy hoạch. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thành đấu thầu và chuẩn bị triển khai các gói thầu: Tư vấn thiết kế, rà phá bom mìn, khoan giếng, tổng thầu EPC cho khu A (trung tâm chế biến thịt).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục còn thiếu.
Ngay sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc thẩm định, ban hành giá đất sẽ tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư được ký hợp đồng thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và địa phương. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thành thủ tục cấp phép xây dựng xong trước ngày 30/1/2023; san lấp mặt bằng trong tháng 11/2022, làm căn cứ để khởi công dự án vào tháng 3/2023.
Một trong số các dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) đang được các cấp chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn là dự án KCN Nam Bình Xuyên với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Phát triển Nam Bình Xuyên Green Park tổ chức thực hiện. Được biết, dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 153ha, trong đó tại thị trấn Hương Canh là 50,6ha, thị trấn Đạo Đức là 102,8ha.
Hiện, ngành chức năng đã quy chủ, kiểm kê, kê khai với tổng diện tích khoảng 37,5ha; trên diện tích hiện có đã thực hiện rà phá bom mìn, khoan khảo sát địa chất công trình, báo cáo tác động môi trường.
Đồng thời, nghiên cứu thực địa, chuẩn bị các phương án tổ chức thi công, san lấp mặt bằng diện tích đất thuộc giai đoạn 1 của dự án đã được đền bù, GPMB. Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp phải vướng mắc về việc xác định giá đất đền bù, GPMB.
Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ, trong ranh giới cần thu hồi đất để thực hiện dự có hơn 700 ngôi mộ nằm rải rác nhiều nơi. Ngoài ra, tại thị trấn Đạo Đức có hơn 20ha thuộc khu vực Đầm Trôi, vốn là khu vực tâm linh nên rất khó nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong việc GPMB, thu hồi đất.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên cho biết: “Chúng tôi đang chờ UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án KCN Nam Bình Xuyên và cùng phối hợp với chủ đầu tư triển khai các thủ tục pháp lý tiếp theo.
Đồng thời, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng rà soát vị trí quy hoạch đất nghĩa trang mới nằm ngoài ranh giới KCN để tiến hành quy tập mộ của người dân, phục vụ triển khai dự án”.
Thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT - XH theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.
Tập trung xử lý các vướng mắc, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, nhất là dự án lớn, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế để tạo khung pháp lý cao nhất, phù hợp với sự đóng góp của hệ thống KCN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như đối với phát triển KT- XH của cả nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Đề nghị Chính phủ sớm tham mưu cho Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong pháp luật đất đai về cơ chế bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi với các dự án Nhà nước thu hồi đất; quy định cụ thể quy trình, trình tự trong GPMB; quy trình, trình tự trong thực hiện các hạng mục tái định cư; xây dựng khu nghĩa trang; di chuyển, hoàn trả các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi GPMB để đảm bảo đồng bộ với các Luật Đầu tư, Luật Ngân sách.