Đến nay, mạng lưới đường thư bưu chính công cộng gồm 5 đường thư cấp I, tần suất hoạt động 5 lần/ngày; 4 đường thư cấp II và 27 đường thư cấp III. Mỗi xã có từ 1 đến 2 bưu tá chuyên thu gom và phát bưu gửi đến tận địa chỉ người nhận ở các thôn xóm, bản, làng với tần suất một đến hai lần/ngày làm việc. Ngoài việc duy trì vận hành, khai thác hiệu quả hạ tầng mạng lưới bưu chính, Bưu điện tỉnh đã đầu tư hơn 6,4 tỷ đồng để sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp các bưu cục, điểm phục vụ. Hiện 100% các doanh nghiệp bưu chính đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác và vận hành hệ thống mạng lưới kinh doanh dịch vụ.
|
|
Ảnh minh họa ( Nguồn: baovinhphuc.com.vn) |
Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã khai thác và cung ứng đa dạng các dịch vụ bưu chính cơ bản, dịch vụ cộng thêm, đồng thời, phát triển thêm dịch vụ mới. Trong đó, chủ yếu là chuyển phát nhanh (EMS), phát hàng thu tiền (COD), trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chuyển tiền nhanh, tiết kiệm bưu điện, bưu phẩm không địa chỉ, Datapost, nhận tận nơi - phát tận tay, Logistics, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công qua bưu điện... Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng doanh thu bình quân hằng năm các doanh nghiệp bưu chính đạt khoảng trên 200 tỷ đồng; tốc độ tăng doanh thu bình quân đạt trên 20%/năm; tổng số nộp ngân sách ước đạt trên 20 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, xu hướng liên kết, khai thác, phát triển các loại hình dịch vụ mới tiếp tục được các doanh nghiệp chú trọng như: Dịch vụ chuyển phát nhanh, hỏa tốc, dịch vụ phục vụ hành chính công; dịch vụ phục vụ nền thương mại điện tử (COD); dịch vụ kho vận Logistics... Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh bưu chính, tiến tới hiện đại hóa bưu chính tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và bưu chính Việt Nam nói chung.
Giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạng lưới chuyển phát, Logistics để phát triển thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả hoạt động ngành bưu chính, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình dịch vụ: dịch vụ tài chính, dịch vụ về bảo hiểm, ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, cung cấp dịch vụ; tin học hóa mạng lưới bưu chính; tự động hoá trong khai thác, chia chọn. Hướng tới phát triển bưu chính hội tụ với viễn thông và công nghệ thông tin, hội tụ đa ngành, đa dạng loại hình dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán; phát triển bưu chính, viễn thông đi đôi với đảm bảo an ninh ‑ quốc phòng, an toàn thông tin, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng doanh thu các dịch vụ bưu chính đạt 1.130 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 20-30%. Toàn tỉnh có 190 điểm phục vụ bưu chính, rút ngắn bán kính phục vụ bình quân còn 1,5km/điểm, số dân phục vụ 6.300 người/điểm.