Thứ năm, 03/12/2020 10:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, ngành công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, dự kiến mức tăng trưởng giảm nhẹ so với năm 2019.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 9,7%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và tiếp tục đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Các sản phẩm công nghiệp ngày càng tăng về số lượng và chủng loại. Giai đoạn 2016-2020, một số sản phẩm mới được sản xuất như: linh kiện điện tử, điều hoà, tủ lạnh, thuốc chữa bệnh... Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng khá, trong đó linh kiện điện tử là ngành mới phát triển và có mức tăng doanh thu cao nhất, đạt 50,7%/năm; sản lượng ô tô tăng 3,4%/năm, gạch ốp lát tăng 18,8 %/năm, sắt thép các loại tăng 34,8%/năm, giày dép thể thao tăng 10,9%/năm...
Sản phẩm ô tô, xe máy mặc dù có sự suy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh do thị trường xe máy đang ở mức bão hòa, sản phẩm ô tô sản xuất trong nước luôn phải cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu đang rất dồi dào về nguồn cung, giá thành ngày càng giảm do được hưởng ưu đãi về thuế nên nhiều doanh nghiệp chuyển dần sang nhập khẩu. Sản xuất linh kiện điện tử là ngành có sự phát triển khá nhanh. Năm 2015, ngành này chỉ chiếm 10,6% giá trị công nghiệp, đến năm 2019 đã chiếm tới gần 40% giá trị công nghiệp và đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành sản xuất gạch ốp lát và sản xuất kim loại chiếm gần 15%. Các ngành công nghiệp còn lại chiếm khoảng 15% giá trị công nghiệp.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử - tin học. Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp này đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
M.P