Vốn huy động các tổ chức tín dụng Vĩnh Phúc tăng 12,2% so với cuối năm 2022.

Thứ năm, 14/12/2023 09:08
(ĐCSVN) - Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ước cả năm 2023, vốn huy động các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2022.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) 

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế. Trong năm, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-1,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho may mới với mức giảm từ 1,5-2%/năm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp để tăng khả năng huy động vốn nhàn rỗi đã được các tổ chức tín dụng triển khai. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước hoặc chuyển sang dịch vụ của ngân hàng nước ngoài nên huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 2 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn tỉnh tăng trưởng âm và từ tháng 3 đến nay, huy động vốn có mức tăng thấp và không ổn định. Ước cả năm, tổng nguồn vốn huy động các tổ chức tín dụng đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đạt 42.000 tỷ đồng, tăng 6,2%; tiền gửi của dân cư đạt 80,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay ước đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2022. Theo đánh giá của các ngành chức năng, đây là mức tăng trưởng khá, song thấp so với mức tăng trưởng của các năm 2021 và năm 2022. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế chưa cao; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc vướng mắc về thủ tục pháp lý; việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã khó khăn do quy mô vốn nhỏ, yếu về năng lực tài chính, thiếu phương án kinh doanh khả thi.

Cơ cấu tín dụng phần lớn cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, lĩnh vực này chiếm 86,2% tổng dư nợ; tỷ lệ cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản trong tầm kiểm soát, chiếm trên 11% và 13,3% tổng dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng đối với các lĩnh vực đặc thù như: Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa... đều có mức tăng trưởng khá, đã góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, cải thiện kinh tế hộ gia đình, hạn chế tín dụng đen, tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu thông qua thông qua việc tăng cường giám sát sau cho vay, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, chủ động nguồn vốn cho vay tạo nguồn thu trả nợ cho ngân hàng… Nhờ đó, nợ xấu tại thời điểm cuối mỗi tháng đều được kiểm soát mức an toàn dưới 2% trên tổng dư nợ; ước tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2023 chiếm 0,77% trên tổng dư nợ.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực