Áp dụng công nghệ mới, tăng tỉ lệ chuyến bay đúng giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ tư, 31/01/2024 13:04
(ĐCSVN) - Từ 00 giờ ngày 1/2/2024, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chính thức áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không sân bay (A-CDM), tăng tỉ lệ cất, hạ cánh chuyến bay đúng giờ hơn trước.
 Khai thác mô hình A-CDM tại trung tâm AOCC- Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đánh dấu thành công sau 3 năm nỗ lực của Cảng và các bên tham gia. (Ảnh:TIA).

Đây là một cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau 3 năm nỗ lực của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các bên tham gia như hãng hàng không, dịch vụ mặt đất, quản lý bay... Tân Sơn Nhất chính thức trở thành sân bay phối hợp ra quyết định (A-CDM) trên bản đồ sân bay trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất nhận xét đây là một cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau ba năm nỗ lực của sân bay Tân Sơn Nhất và các hãng hàng không, đơn vị tham gia.

Chia sẻ cụ thể về mô hình A-CDM (Airport Collaborative Decision Making), đại diện  Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết:  Q-CDM được hiểu là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay. A-CDM cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không sân bay.

Mục tiêu là quản lý tắc nghẽn tại sân bay, tăng hiệu quả lập kế hoạch khai thác, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, khả năng dự báo và nâng cao tính đúng giờ của chuyến bay.

Từ đó, mô hình này giảm thiểu lãng phí sử dụng slot và quản lý luồng không lưu. Giảm thiểu ùn tắc trên sân đỗ và đường lăn. Giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu do việc giảm thời gian lăn..

 Tân Sơn Nhất là sân bay cửa ngõ khu vực phía Nam, lượng khách thông qua cảng đến cuối 2023 đạt 42 triệu lượt (Ảnh: AN)

Tân Sơn Nhất là sân bay cửa ngõ khu vực phía Nam, có tần suất cất hạ cánh cao nhất cả nước (xấp xỉ 260.000 lượt cất hạ cánh). Sản lượng khách thông qua cảng đến cuối 2023 đạt 42 triệu lượt, gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế, quá tải về hạ tầng và năng lực khai thác. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu cũng chưa đồng bộ, các hệ thống thông tin chuyến bay được các bên liên quan tự phát triển nội bộ dẫn đến việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gặp khó khăn.

Khi áp dụng A-CDM, đại diện Tân Sơn Nhất kỳ vọng hiệu quả và lợi ích mang lại giúp hoạt động điều phối chuyến bay sẽ thuận tiện, hạn chế tình trạng chậm chuyến. Áp dụng chính thức ngay dịp Tết là giải pháp cần thiết trong giai đoạn cao điểm đi lại.

Hiện mô hình A-CDM là xu thế chung của các sân bay lớn trên thế giới. Tại châu Âu đã có 32 sân bay triển khai thành công (Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Frankfurt, Geneva, London Heathrow, Munich, Naples, Paris CDG…), 8 sân bay đang thử nghiệm triển khai.

Tại châu Á cũng có khoảng 19 sân bay triển khai A-CDM thành công như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), sắp tới là Kuala Lumpur (Malaysia).../.

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực