Bà Rịa - Vũng Tàu: Đào tạo nghề sát với thực tiễn, chú trọng chất lượng

Thứ ba, 01/11/2022 10:17
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động của tỉnh trong năm 2023. Kế hoạch nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động.
Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm đổi mới chương trình đào tạo nghề theo hướng thực hành, gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động. (Ảnh: K.V)  

Kế hoạch đặt ra một số chỉ tiêu như tạo việc làm mới cho 11.000 lao động; 40% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ lao động thất nghiệp 2,6%. Cùng với đó, địa phương này cũng đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu; phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động.

Được biết, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều đột phá trong giải quyết việc làm, ngay từ năm 2018, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ tỉnh năm 2018”, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực dịch vụ Logistics tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2018”. Đặc biệt là tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên để phát triển trường nghề chất lượng cao, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…. Qua đó đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết việc làm cho người lao động.

Những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh đã sát với thực tiễn, đi sâu vào chất lượng bằng việc gắn với tình hình sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp. Đào tạo nghề hướng tới giải quyết việc làm, chú trọng đầu ra vì vậy đã giúp người lao động sống được bằng nghề, nhất là đối với lao động nông thôn.

Cùng với đó, các danh mục đào tạo nghề luôn sát với thực tế. Hình thức đào tạo nghề qua từng năm cũng đa dạng hơn. Ngoài đào tạo chính quy tại cơ sở dạy nghề, việc đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại doanh nghiệp, đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi được tổ chức rộng rãi. Điều này từng bước đầu đáp ứng được nhu cầu học nghề của thanh niên và của nông dân, từng bước gắn với tạo việc làm, chuyển đổi nghề, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng và nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và kết quả điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu việc làm của lao động nông thôn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã xây dựng các danh mục đào tạo nghề, từ đó các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường được nhân rộng; những ngành, nghề không còn phù hợp đều được thay thế, trong đó có ưu tiên dạy nghề cho lao động ở các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đối tượng chính sách, người có công, người khuyết tật, hộ nghèo và cận nghèo. Công tác đào tạo nghề đang được triển khai mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp hơn với từng đối tượng, từng ngành, nghề cụ thể ở từng địa phương, người dân được học nghề dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Một số nghề phi nông nghiệp được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp để người lao động thành thạo tay nghề, nâng cao chất lượng lao động, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Các nghề nông nghiệp dần chuyển đổi sang hình thức tập huấn kỹ thuật khuyến nông vào mùa vụ, giúp học viên có điều kiện thực hành tốt nhất./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực