Cần xử lý nghiêm minh, hiệu quả các vi phạm về BHXH

Thứ ba, 21/11/2023 14:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 23/11 tới, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự án Luật là mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Bên hành lang nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã có những trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về dự án luật này.

Phóng viên (PV): Một trong những vấn đề người lao động quan tâm đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này là hai phương án về quy định rút BHXH một lần. Qua nghiên cứu dự thảo luật cũng như tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu quan tâm đến phương án rút BHXH một lần nào?

 Đại biểu Phạm Văn Hòa: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần. Cụ thể, Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm NLĐ khác nhau (đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Kim Thanh 

Trước hết, thâm tâm tôi rất mong muốn NLĐ không nên rút BHXH một lần. Tuy nhiên, thực tế nếu không cho rút BHXH thì NLĐ đang nghỉ việc, không có việc làm sẽ rất khó khăn trong cuộc sống. Bởi có những lao động “làm tháng nào ăn hết tháng đó” nên khi buộc phải nghỉ việc thì giải pháp để họ tìm kế sinh nhai chính là rút BHXH một lần. Khi NLĐ rút BHXH một lần cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, nhất là khi họ về già, không còn sức lao động, không có tài sản tích lũy.

Với 2 phương án thì cho rằng, phương án 2 là có thể khả thi và phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay khi cho NLĐ rút 50%. Việc cho phép NLĐ chỉ được thanh toán rút tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ buộc NLĐ phải cân nhắc khi rút BHXH một lần. Việc này sẽ giảm thiểu được số NLĐ bị lọt ra khỏi hệ thống, mở rộng được độ bao phủ, đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Mức rút này dù không phải là cao nhưng NLĐ cũng sẽ có một khoản tiền để trang trải được khó khăn trước mắt.

Mặt khác, khi còn 50% thì NLĐ có thể tham gia đóng tiếp để đảm bảo cuộc sống sau này. Thực tế, lương hưu dù có thấp thì qua việc tăng điều chỉnh tiền lương hằng năm vẫn đảm bảo được cuộc sống của người nghỉ hưu. Đơn cử, từ ngày 1/7 vừa qua, công chức viên chức được tăng lương cơ sở thì người về hưu cũng được tăng lương; và đến thời điểm 1/7/2024 tới, quy định mức lương theo vị trí việc làm, người về hưu cũng được nâng lương. Khi NLĐ có chế độ hưu trí thì cũng đồng nghĩa với việc họ có thêm các chính sách khác về an sinh. 

Tôi cho rằng, muốn khuyến khích, động viên, thuyết phục NLĐ không rút BHXH một lần và yên tâm đóng BHXH thì ngoài việc sửa đổi Luật BHXH cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho những NLĐ buộc phải nghỉ việc, mất việc để họ tiếp tục tham gia vào hệ thống BHXH; thấy được chính sách ưu việt của lương hưu…

PV: Thưa đại biểu, bên cạnh việc thu hút lao động tham gia BHXH, hạn chế rút BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để NLĐ được hưởng lương hưu. Dù ủng hộ đề xuất này, song nhiều chuyên gia cũng lo ngại lương hưu của một số nhóm lao động (không chuyên trách cấp xã, thôn, nhất là lao động nữ) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo (ngưỡng mức sống tối thiểu của một cá nhân). Xin đại biểu cho biết quan điểm về vấn đề này?

Đại biểu Phạm Văn Hoà:
Cá nhân tôi rất đồng tình với đề xuất của Chính phủ về giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Đề xuất này cũng phù hợp với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Theo nguyên tắc của BHXH thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10-15 hay 20 năm đóng BHXH đều có cơ sở nhưng đóng nhiều thì lương hưu mới cao. Vì vậy, nếu chỉ có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu rất thấp. Thêm vào nữa, đối với các trường hợp nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Như vậy, nếu áp dụng quy định trên với các trường hợp nghỉ hưu sớm sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp.

Tôi thí dụ một người lao động 25 tuổi vào việc làm, 15 năm sau mới 40 tuổi mà chờ đến tuổi nghỉ hưu mới lĩnh là quá lâu, còn nếu lĩnh trước mỗi năm bị trừ 2%/năm thì mức lĩnh sẽ rất thấp.

Do đó, tôi cho rằng mức khởi điểm sau 15 năm đóng BHXH mà được lĩnh lương hưu thì phải lĩnh từ 45%. Đồng thời đề nghị giảm mức trừ nếu nghỉ hưu trước tuổi, vì nếu trừ 2% mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì người lao động sẽ được hưởng rất thấp.

PV: Thưa đại biểu, một trong những đề xuất của lần sửa đổi Luật BHXH này là có giải pháp mạnh để xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH. Với việc sửa đổi này, chúng ta có xử lý dứt điểm được tình trạng nợ đóng BHXH không?

Tôi cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần phải có những chế tài mạnh với hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH. Bởi hành vi trốn, nợ BHXH là một tội của người sử dụng lao động. Tiền của NLĐ đã tham gia BHXH trích trừ một phần lương của mình tại doanh nghiệp và Luật BHXH quy định người sử dụng lao động phải bỏ phần tiền của mình ra để đóng góp cho NLĐ. Đây là việc làm hết sức nhân văn, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động nhưng doanh nghiệp lại không đóng nộp về cơ quan BHXH là lỗi của doanh nghiệp. 

Thực tế, rất nhiều NLĐ, đặc biệt là công nhân sau khi nghỉ việc đến nhận tiền BHXH lại được thông báo là không đóng BHXH. Qua giám sát cho thấy, một số địa phương chưa xử lý được vấn đề này vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chế tài xử lý còn thiếu. Do đó, sửa luật lần này phải quy định rành mạch, rõ ràng, cụ thể các chế tài xử lý đối với người trốn đóng BHXH để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ…

PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Kim Thanh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực