Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 11/08/2023 16:11
(ĐCSVN) – Trong thời gian tới, cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với thiên tai; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như: vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: KL)

Ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Đạt được các mục tiêu ứng phó với BĐKH do Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết về các lĩnh vực TN&MT. Trong đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành TN&MT.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện, cấp ủy và chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và người dân đã tích cực thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách ứng phó với BĐKH, các công trình, dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH ở trung ương và địa phương được tăng cường đầu tư.

Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với BĐKH, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nêu rõ: Đến nay, các mục tiêu cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu được Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra đều đã đạt được, trong đó, mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP vượt mục tiêu đề ra (giảm từ 8 - 10% so với năm 2010), thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính.

Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH đã được nâng cao. Kịch bản BĐKH được cập nhật định kỳ vào năm 2016 và 2020; xây dựng bản đồ ngập lụt, làm cơ sở cho các địa phương triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với BĐKH. Thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể, trong đó, giai đoạn 2018 - 2022 giảm 18% về người, 34% về vật chất so với giai đoạn 2013 - 2017.

 Bên cạnh đó, công tác truyền thông được thực hiện qua nhiều hình thức thiết thực, góp phần quan trọng để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, hiện tượng thời tiết cực đoan.

Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của địa phương. Các thành phố, đô thị lớn ven biển đều chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên...

Đặc biệt, gần đây, Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác, là động lực để chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KL).

Ưu tiên đầu tư cho dự báo, cảnh báo thiên tai

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đề xuất cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với BĐKH.

Một số giải pháp cần được ưu tiên là: tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với thiên tai; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như: vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Cùng với đó, thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thiên tai về lũ quét, sạt lở đất, đá.

Bên cạnh đó, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ xây dựng Đề án “Tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển bền vững vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, lãnh đạo một số Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã đề xuất, thời gian tới, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực