Chuyển đổi số dữ liệu dân cư: Từ kinh nghiệm các nước đến thực tế ở Việt Nam

Thứ năm, 01/06/2023 15:17
(ĐCSVN) - Trong những năm trở lại đây, việc cấp thẻ Căn cước công dân của các quốc gia trên thế giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Dù là các quốc gia rộng lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, hay các quốc gia nhỏ như: Mông Cổ, Angola, các quốc gia ở bán cầu Nam hay ở bán cầu Bắc, các quốc gia giàu hay nghèo… đều đang có chung ý tưởng về thẻ Căn cước sinh trắc học có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Từ bài học kinh nghiệm các nước…

Tại Thái Lan:

Thẻ Căn cước công dân Thái Lan (Ảnh: sea.mashable.com)

Thẻ Căn cước công dân Thái Lan được cấp cho người từ đủ 7 tuổi. Đối với trẻ em dưới 15 tuổi, cha, mẹ, người giám hộ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc phải đăng ký làm thẻ. Thẻ căn cước bao gồm các thông tin: Tên, tên đệm; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ theo đăng ký cư trú; ảnh và số định danh của chủ thẻ; thẻ có thể có hoặc không bao gồm chi tiết về tôn giáo hoặc giáo phái tôn giáo, sùng bái của chủ thẻ; chữ ký, con dấu, phù hiệu của cơ quan cấp thẻ và ngày cấp.

Ngoài ra, thẻ còn chứa bộ nhớ có thể lưu trữ các thông tin của chủ thẻ. Những thông tin này không được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức không có trách nhiệm trong việc cung cấp hoặc thu thập những thông tin nêu trên, trừ các thông tin ghi trên thẻ hoặc trường hợp cung cấp thông tin cho các tổ chức khi có sự cho phép của chủ thẻ hoặc trong các trường hợp đặc biệt vì quyền lợi của chủ thẻ hoặc của nhà nước và xã hội.

Tại Trung Quốc:

Công dân Trung Quốc đủ 16 tuổi phải xin cấp Căn cước công dân theo quy định. Trong khi công dân dưới 16 tuổi có thể tự nguyện xin cấp Căn cước công dân. Căn cước công dân bao gồm các thông tin: tên; giới tính; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ nơi thường trú; số căn cước công dân; ảnh cá nhân; thông tin dấu vân tay; thời hạn hiệu lực của Căn cước công dân và cơ quan cấp. Số Căn cước công dân là mã định danh duy nhất, dùng suốt đời của mỗi công dân, do cơ quan Công an nhân dân tổng hợp theo quy chuẩn quốc gia về số Căn cước công dân. Công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân phải đăng ký thông tin dấu vân tay của mình.

Tại Nhật Bản:

Thẻ Mã số cá nhân (My number card) tại Nhật Bản là thẻ Chứng minh nhân dân có gắn chíp, chứa đựng toàn bộ thông tin cá nhân, có thể sử dụng như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ nhận tiền trợ cấp phúc lợi xã hội.

Thẻ My number bắt đầu được phát hành từ năm 2015, dành cho tất cả công dân Nhật Bản (bao gồm cả trẻ em từ khi sinh ra, được khai sinh và nhập sinh) và người nước ngoài có tư cách lưu trú dài hạn tại Nhật Bản. My number là mã số gắn với từng cá nhân đang sinh sống tại Nhật Bản. Mỗi người đang sống tại Nhật (có đăng ký hộ tịch và lưu trú tại địa phương) sẽ được cấp một mã số gồm 12 chữ số và không trùng lặp với bất kỳ ai. Mã số này sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Tại LB Nga:

Hộ chiếu của công dân Liên bang Nga là giấy tờ tùy thân cơ bản của công dân Liên bang Nga. Tất cả công dân Nga từ đủ 14 tuổi trở lên phải có Hộ chiếu. Hộ chiếu bao gồm các thông tin chính: Họ, tên, tên cha, giới tính, ngày sinh, nơi sinh và có thể có các bị chú: Về đăng ký thường trú, rút đăng ký thường trú; về việc hoàn thành nghĩa vụ quân sự của công dân đủ 18 tuổi trở lên. Theo yêu cầu của công dân, các bị chú sau đây cũng được ghi trên Hộ chiếu: Đăng ký kết hôn, ly hôn; trẻ em (công dân Liên bang Nga chưa đủ 14 tuổi) đi cùng Hộ chiếu; về Hộ chiếu đã cấp trước đây; về các giấy tờ tùy thân cấp ngoài lãnh thổ Liên bang Nga còn hiệu lực; về nhóm máu và yếu tố Rhesus; về mã số thuế.

Thời hạn hiệu lực của Hộ chiếu được quy định theo độ tuổi của công dân: Từ 14 - 20 tuổi; từ 20 - 45 tuổi; từ 45 tuổi - vô thời hạn. Khi công dân (trừ quân nhân nhập ngũ) đến tuổi 20 và 45 thì phải thay Hộ chiếu. Hộ chiếu đang dùng tiếp tục có giá trị đến ngày được cấp Hộ chiếu mới, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày công dân đủ 20 tuổi và 45 tuổi. Đối với những người thực hiện nghĩa vụ quân sự, Hộ chiếu được cấp hoặc thay thế khi kết thúc thời hạn nghĩa vụ quân sự.

Từ ngày 01/12/2021, Liên bang Nga thí điểm cấp Hộ chiếu điện tử ở dạng thẻ nhựa gắn chíp tại thủ đô Moscow. Theo lộ trình, đến ngày 01/7/2023, Nga sẽ cấp Hộ chiếu điện tử dạng thẻ nhựa này cho tất cả công dân trên lãnh thổ. Theo dự thảo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga về Hộ chiếu của công dân Liên bang Nga có chứa phương thức lưu trữ điện tử, Hộ chiếu của công dân Liên bang Nga chứng minh danh tính của công dân Liên bang Nga trên lãnh thổ Liên bang Nga. Trên phương tiện điện tử của Hộ chiếu có chứa phương tiện thông tin điện tử, cũng như trong hệ thống thông tin của Bộ Nội vụ Liên bang Nga theo danh sách do Chính phủ Liên bang Nga xác định, có cơ sở dữ liệu sinh trắc học và các dữ liệu cá nhân khác của người có Hộ chiếu, báo gồm hình ảnh khuôn mặt và mẫu nhú của hai ngón tay.

Tại Đức:

Người Đức bắt buộc phải có thẻ căn cước công dân khi đủ 16 tuổi và phải tuân thủ quy định về đăng ký chung hoặc không thuộc trường hợp này nhưng sinh sống chủ yếu ở Đức. Thẻ căn cước công dân phải được xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra danh tính của cơ quan có thẩm quyền. Người dưới 16 tuổi được cấp căn cước công dân khi có đơn. Có hai loại thẻ căn cước: Thẻ căn cước công dân quốc gia và thẻ căn cước công dân quốc gia tạm thời. Thẻ căn cước công dân tạm thời được cấp cho bất kỳ người nào có lý do chính đáng để yêu cầu cấp thẻ căn cước ngay lập tức. Mỗi người có không quá 1 thẻ căn cước công dân được cấp bởi Cộng hòa liên bang Đức. Theo quy định của pháp luật, thẻ căn cước công dân là tài sản của nhà nước Cộng hòa liên bang Đức.

Tại Ba Lan:

Tại Ba Lan, căn cước công dân là một tài liệu để xác nhận danh tính và quốc tịch Ba Lan của một người trên lãnh thổ của Cộng hòa Ba Lan; những người thuộc các nước thành viên của Liên minh châu Âu, các nước khu vực châu Âu, khu vực kinh tế không thuộc Liên minh châu Âu và các nước không thuộc châu Âu, các bên tham gia Hiệp định về khu vực Kinh tế châu Âu mà công dân của họ được sử dụng các hợp đồng được ký kết bởi Cộng hòa Ba Lan với các nước này; hoặc đối với công dân của các nước mà theo quyết định đơn phương của nước này, có sự công nhận đối với các tài liệu do cơ quan chức năng Ba Lan cấp.

Mỗi công dân Ba Lan đều có quyền có căn cước công dân; công dân trưởng thành của Cộng hòa Ba Lan cư trú trên lãnh thổ Ba Lan bắt buộc phải có thẻ căn cước công dân.

Tại Malaysia:

Mẫu MyKid của Malaysia (Ảnh: Yahoo News Malaysia/MyGOV )

Thẻ Căn cước công dân Malaysia (Mykad) là thẻ căn cước bắt buộc đối với công dân Malaysia từ 12 tuổi trở lên. Malaysia là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng thẻ nhận dạng kết hợp cả nhận dạng ảnh và dữ liệu sinh trắc học dấu vân tay trên một chip máy tính tích hợp được nhúng trong một miếng nhựa.

Bên cạnh mục đích chính của thẻ là công cụ xác thực và chứng minh quốc tịch ngoài giấy khai sinh, MyKad cũng có thể đóng vai trò là giấy phép lái xe, thẻ ATM, ví điện tử và chìa khóa công cộng và các tính năng khác nếu người mang thẻ chọn kích hoạt các tính năng đó. Ngoài thẻ Mykad, Malaysia cấp một số loại thẻ khác như: MyKid - dành cho công dân Malaysia dưới 12 tuổi kể cả trẻ sơ sinh (không bắt buộc); MyPR - dành cho dân cư thường trú ở Malaysia; MyTentera - dành cho nhân viên Lực lượng Vũ trang Malaysia.

Tại Cabo Verde:

Thẻ Căn cước công dân là một loại giấy tờ định danh được cấp bởi nhà nước theo quy định tại Luật số 19 năm 2014. Bên cạnh việc là một loại giấy tờ vật lý, nó còn là tài liệu điện tử đa chức năng.

Thẻ được tích hợp chip điện tử, chứa dữ liệu cá nhân và khi các tính năng số được kích hoạt, nó được sử dụng để bảo vệ tính chính chủ, chữ ký số, giao dịch điện tử, vv…Theo luật, việc đăng ký là bắt buộc đối với tất cả công dân mang quốc tịch Cape Verde, sinh sống trong nước hoặc ở nước ngoài từ 4 tuổi.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Việc đăng ký thẻ Căn cước công dân Thổ Nhĩ Kỳ được quy định tại Điều 10 Luật dịch vụ dân số (số 5490). Tất cả các thẻ Căn cước công dân có thời hạn sử dụng là 10 năm và phải được cấp mới sau khi hết hạn. Thẻ Căn cước công dân được cấp từ khi sinh ra, trong trường hợp mất thẻ hoặc khi có sự thay đổi chính sách về thẻ.

Công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi đủ 15 tuổi được yêu cầu cung cấp dữ liệu sinh trắc học cho Chính phủ. Mỗi khi công dân đăng ký cấp thẻ Căn cước công dân cũng phải cung cấp dữ liệu sinh trắc học mới của họ. Thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 15 tuổi không phải cung cấp dữ liệu sinh trắc học. Tuy nhiên, người giám hộ như cha mẹ, ông bà, anh chị ruột có thể được yêu cầu cung cấp dữ liệu sinh trắc học của trẻ em dưới 15 tuổi.

Tại Ấn Độ:

Thẻ Căn cước công dân Ấn Độ (Thẻ aadhaar) được thiết kế như chứng minh định danh và địa chỉ quan trọng, đáng tin cậy nhất của người dân Ấn Độ. Thẻ không chỉ bao gồm những thông tin nhân khẩu mà còn chứa đựng những dữ liệu sinh trắc học của chủ thẻ.

Cơ quan cấp Aadhaar (Unique Identification Authority of India - UIDAI) đã quy định tất cả cư dân sinh sống ở Ấn Độ không kể độ tuổi đều được cấp thẻ căn cước công dân. Trẻ em dưới 5 tuổi được cấp thẻ Baal Aadhaar có màu xanh lam. Đối với trẻ vị thành niên từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thẻ Baal Aadhar dành cho trẻ em được cấp tương tự như thẻ dành cho người lớn. Nhiều bệnh viện đã bắt đầu cho gia đình đăng ký thẻ Aadhaar cùng lúc với giấy khai sinh. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, không phải cung cấp thông tin sinh trắc học, chỉ cần cung cấp ảnh và Aadhaar của bố hoặc mẹ. Khi trẻ em đủ 5 tuổi phải cập nhật ảnh mới, cung cấp dữ liệu sinh trắc học của 10 đầu ngón tay và mống mắt.

Tại Phần Lan:

Thẻ Căn cước công dân Phần Lan cùng với hộ chiếu là hai loại giấy tờ tùy thân quan trọng tại Phần Lan. Mỗi công dân và cư dân sinh sống tại Phần Lan đều được cấp thẻ Căn cước công dân.

Trẻ em cũng cần có giấy tờ định danh để thuận tiện cho việc đi lại, di chuyển. Việc đăng ký được thực hiện online nhưng thông thường, trẻ em phải được đưa đến cơ quan cảnh sát để định danh. Việc trực tiếp đến cơ quan cảnh sát là bắt buộc trong trường hợp công dân dưới 12 tuổi, hoặc trường hợp xin cấp lại hộ chiếu, thẻ Căn cước đã được cấp trước năm 12 tuổi. Việc xác minh định danh được thực hiện thường xuyên, cẩn trọng vì các đặc điểm khuôn mặt của trẻ em thường thay đổi rất nhanh.

Tại Italia:

Thẻ Căn cước công dân điện tử là một loại tài liệu định danh có thể được cấp cho công dân Italia dưới 18 tuổi từ khi sinh ra. Thời hạn có hiệu lực của thẻ là 3 năm đối với trẻ em dưới 3 tuổi và 5 năm đối với trẻ em từ 3 - 18 tuổi. Trẻ từ 12 tuổi trở lên sẽ được thu thập hai dấu vân tay và phải ký vào thẻ. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu ghi tên cha, mẹ, người giám hộ ở mặt sau của thẻ.

Tại Thụy Sĩ:

Cha mẹ có thể được đăng ký cấp Hộ chiếu hoặc thẻ Căn cước công dân cho trẻ em ngay từ khi sinh ra. Trẻ em từ 7 tuổi trở lên phải ký vào thẻ Căn cước công dân của mình. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên phải cung cấp dấu vân tay điện tử cho Hộ chiếu sinh trắc học. Người từ đủ 18 tuổi phải tự đăng ký cấp thẻ Căn cước công dân. Theo quy định tại Luật về giấy tờ định danh công dân Thụy Sĩ năm 2001, các giấy tờ định danh của trẻ em theo yêu cầu có thể bao gồm tên của người giám hộ hợp pháp.

… đến thực tế ở Việt Nam

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân. (Ảnh ND) 

Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trên mọi phương diện, khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, với trọng tâm là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Với khát vọng lớn, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa những thời cơ, thuận lợi do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.

Theo một công bố vào năm 1996 của Tổ chức về quyền riêng tư quốc tế (Privacy International), có khoảng 100 quốc gia đã ban hành đạo luật về thẻ Căn cước công dân bắt buộc. Thuật ngữ "bắt buộc" có thể có ý nghĩa và hàm ý khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Việc sở hữu thẻ chỉ có thể trở thành bắt buộc ở một độ tuổi nhất định. Có thể bị phạt nếu không mang theo thẻ hoặc giấy tờ tùy thân chính thức tương tự như hộ chiếu. Trong một số trường hợp, một người có thể bị giam giữ cho đến khi chứng minh được danh tính. Ở một số quốc gia, cảnh sát cần có lý do khi yêu cầu kiểm tra thẻ căn cước công dân, chẳng hạn như nghi ngờ thực hiện tội phạm hoặc nguy cơ đe dọa an ninh. Ở các quốc gia khác, cảnh sát có thể yêu cầu chứng minh danh tính mà không cần nêu lý do. 

Trên tinh thần đó, tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5/2023, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Thiếu tá Trần Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc về dân cư – C06 đã khẳng định “xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân, định danh điện tử, chuyển đổi số nhằm phát huy các quyền và lợi ích của người dân”.

“Năm 2021, thành công lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số chính là hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân, mang lại hiệu quả to lớn, tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Sau 3 năm đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào sử dụng, giá trị đem lại đối với công tác cải cách thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số ngày càng rõ nét“ – Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy công cuộc số hóa của quốc gia, phát triển và ứng dụng các thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào giải quyết thủ tục hành chính, các giao dịch điện tử được chính xác, nhanh chóng, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06)”.

Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Đề án 06 là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thiếu tá Trần Duy Hiển đánh giá, Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều điểm mang tính chất đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhiều nội dung trong Quyết định phê duyệt Đề án lần này là những vấn đề cấp thiết, cần tổ chức triển khai thực hiện ngay để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chính phủ, gắn liền với các nhiệm vụ được giao của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, bao gồm cả những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Thiếu tá Trần Duy Hiển, qua một năm, việc triển khai Đề án 06 đã đạt được kết quả rất quan trọng, tạo nhiều chuyển biến đột phá trong chuyển đổi số quốc gia và được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Có thể điểm lại một số điểm nhấn quan trọng, cụ thể như: Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và Căn cước công dân gắn chip để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), góp phần tiết kiệm gần 50 tỷ đồng cho học sinh không phải sử dụng ảnh thẻ dán vào hồ sơ, không cần mua hồ sơ giấy, giúp cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm, giảm tình trạng tai nạn giao thông; Phân cấp triển khai đăng ký xe máy về hơn 2.000 cấp xã, tổ chức cấp hộ chiếu online, đã tạo thuận lợi, được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tập trung ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong công tác phát triển kinh tế, xã hội như sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh (đến nay, đã có 12.427 đạt 96,99% cơ sở y tế trên toàn quốc sử dụng), thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng; kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 13 bộ ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (Tâp đoàn Điện lực Việt Nam), 63 địa phương để xác thực, làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và cập nhật để làm giàu dữ liệu dân cư; Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối, chia sẻ với các công ty viễn thông để xác thực, làm sạch dữ liệu nhằm giảm thiểu đăng ký thuê bao không chính chủ, giảm thiểu sim rác.

Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 80 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính phục vụ Nhân dân, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

Tuy nhiên, Thiếu tá Trần Duy Hiển cũng chỉ ra rằng, việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng tồn tại nhiều khó khăn, có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, phải kể đến sự sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, dữ liệu và đảm bảo an ninh an toàn và thiếu các nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia về công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Từ những lập luận trên, đại diện Cục C06 khẳng định: “Để góp phần chuyển đổi số thành công, đem lại nhiều giá trị phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp cho mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, an sinh của Chính phủ, cần phải có sự vào cuộc, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án 06. Đặc biệt hơn nữa chính là sự tin tưởng, ủng hộ và đồng lòng thực hiện Đề án 06 của Nhân dân trên cả nước”./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực