Đa dạng nguồn lực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Chủ nhật, 19/06/2022 17:08
(ĐCSVN) - Thấm nhuần quan điểm của Đảng về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên cơ sở đa dạng các nguồn lực. Phát huy sức mạnh toàn xã hội, công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám bệnh miễn phí cho trẻ em tại huyện Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Thị Hiền).

Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 20) giai đoạn 2012 - 2022. Thực hiện Chỉ thị này, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng tăng; công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số tiền ăn, dụng cụ học tập, miễn giảm học phí, trợ giúp sách giáo khoa, vở viết khi đến trường...

Bám sát điều kiện thực tiễn của từng địa bàn, 100% các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn ở Quảng Ninh đều đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em của địa phương. Đặc biệt, một số địa phương chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như tại thị xã Đông Triều, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí từ 1 - 1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã để thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em. Tại huyện Vân Đồn, năm 2021 đã chi trên 1 tỷ đồng để đầu tư bể bơi và thực hiện các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em… Chị Hoàng Thị Hải ở xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn cho biết: “Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã tạo môi trường thuận lợi để các em trưởng thành. Chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng hệ thống trường học khang trang, giúp các em có điều kiện học tập, rèn luyện. Thông qua công tác tuyên truyền, mọi người cũng thấy rõ hơn trách nhiệm trong tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em”.

 Cô và trò Trường Mầm non Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) được học tập, sinh hoạt trong lớp học khang trang, sạch đẹp, đầy đủ đồ dùng, dụng cụ học tập. (Ảnh: Minh Hà).

Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chỉ tính trong giai đoạn 2012 - 2021, ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 1.655,104 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện bố trí 38,601 tỷ đồng để thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; hỗ trợ trên 69.500 trẻ em hưởng chính sách đặc thù của tỉnh; UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận, phê duyệt 26 dự án viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Một số địa phương tiêu biểu trong bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em như: Đông Triều, Quảng Yên, Bình Liêu... Từ nguồn ngân sách này, nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được thực hiện có hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh, để đảm bảo trẻ em có không gian vui chơi, các cấp, ngành đã thường xuyên quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất các điểm vui chơi của trẻ. Hiện toàn tỉnh có 8 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh để tổ chức các hoạt động, trong đó có hoạt động dành cho thanh, thiếu nhi như: Cung Văn hóa thanh, thiếu nhi Quảng Ninh; Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật; Sân vận động Cẩm Phả; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Trung tâm Văn hóa Điện ảnh; Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao. Cùng với đó, trong 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thì 12 địa phương có 3 cơ sở vật chất trung tâm văn hóa, thể thao; trong 177 xã, phường, thị trấn thì 61 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí cấp xã dành cho trẻ em; 1.537 thôn, khu trên địa bàn đều có nhà văn hóa. Toàn tỉnh còn có 61 điểm, trung tâm vui chơi cho trẻ em bố trí quỹ đất riêng.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà. (Ảnh: Nguyễn Thị Hiền).

Bên cạnh đó, thực hiện mô hình “Phòng, chống tai nạn thương tích”, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 722 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 15.700 trẻ. Trong đó, tỉnh hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 73 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.095 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, trẻ em các xã miền núi, hải đảo, biên giới, trẻ em dân tộc thiểu số, với mức kinh phí 10 triệu đồng/lớp… Mô hình này đã giúp hàng vạn trẻ em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn và tự bảo vệ bản thân.

Đặc biệt, với mục tiêu phát huy sức mạnh toàn xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bên cạnh nguồn ngân sách, các địa phương ở Quảng Ninh đã chú trọng khơi dậy các nguồn lực xã hội. Thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gắn với những hình thức tổ chức phù hợp, Quảng Ninh đã huy động được các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vui chơi, học tập và phát triển toàn diện. Từ năm 2012 - 2021, tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em lên tới 248,825 tỷ đồng; trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh vận động được gần 28,87 tỷ đồng, các tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội vận động hơn 93,324 tỷ đồng... Các nguồn lực xã hội hóa này đã hỗ trợ cho gần 357 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên cơ sở đa dạng các nguồn lực. Trọng tâm là khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; tích cực khơi dậy, huy động sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em… Qua đó, góp phần tạo dựng môi trường an toàn, thuận lợi để thế hệ trẻ Quảng Ninh học tập, rèn  luyện và trưởng thành./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực