Đồng Nai tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 12/07/2017 16:25
(ĐCSVN) – Trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa cho người nông dân.

Mưa lớn gây ngập đường phố Biên Hòa - Đồng Nai (Ảnh:K.V).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, suốt từ đầu mùa mưa đến nay đã xảy ra mưa lớn liên tục, thậm chí, mưa trái mùa với cường độ lớn xuất hiện ngay từ đầu năm 2017. Mưa nhiều đã làm  khoảng 31 nghìn ha điều và 8 nghìn ha xoài trên địa bàn tỉnh Đồng NaI bị thiệt hại trên 30% năng suất.

Biến đổi khí hậu cũng đã làm gia tăng sâu bệnh trên cây trồng và giảm năng suất cây trồng nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu cũng làm cho gia súc, gia cầm giảm sức đề kháng, tăng khả năng bùng phát, lây lan dịch bệnh.

Các huyện có nguy cơ bị xâm nhập mặn, nhiễm mặn gay gắt là Nhơn Trạch và Long Thành. Tại huyện Nhơn Trạch, gần 2 nghìn ha nuôi trồng thủy sản đã bị ảnh hưởng do bị nhiễm mặn. Nếu nước biển dâng cao theo dự báo, toàn bộ diện tích đất đai của huyện này có độ cao dưới 1,14m so với mực nước biển đều có thể bị ngập quanh năm và độ cao trên 1,14m đến dưới 1,16m đều có thể bị xâm nhập mặn. Do đó, cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một số xã của huyện Long Thành cũng sẽ bị xâm nhập mặn theo dự báo đến năm 2050.

Tại các huyện như: Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, đặc biệt là các huyện miền núi như: Định Quán, Tân Phú.. thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Tình trạng khô hạn kéo dài, sau đó xuất hiện mưa lớn liên tục đã gây thiệt hại lớn trên các diện tích cây trồng.

Năm 2016, tuy Đồng Nai không có bão nhưng xảy ra 13 đợt mưa lớn và 8 trận lốc xoáy làm 3 người chết, 400 căn nhà bị sập, tốc mái và ngập úng. Mưa, lốc xoáy còn làm thiệt hại hơn 200 ha cây trồng và gây ngập úng nhiều đoạn đường làm giao thông tê liệt trong nhiều giờ liền. Trong mùa khô, có gần 4.400 ha cây trồng thiếu nước sản xuất và gần 900 hộ ở vùng cao thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ở Đồng Nai vào khoảng 32 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Quốc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, năm 2017 thời tiết khá bất thường vào mùa mưa. Có thể xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất; còn mùa khô 2017-2018 có thể xảy ra hạn, xâm nhập mặn nhiều hơn. Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết khó dự báo và cực đoan hơn. Mặc dù tổng lượng mưa năm 2017 tương đương mọi năm, song năm nay sẽ có những cơn mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn nên rất dễ gây ngập lụt ở những khu vực đông dân cư, thoát nước kém. Bên cạnh đó, mưa cực lớn trong thời gian ngắn có thể gây ra sạt lở đất, lũ quét ở những vùng cao, gần sông, suối.

Nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết các giải pháp cụ thể của địa phương, đó là: Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước, chủ động cung cấp nước sạch trong các trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; nhân rộng các điển hình của Hội Nông dân các cấp tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, tăng tỷ lệ giống ngắn ngày, sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã…); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; thay đổi cây trồng thông qua yêu cầu của cây đối với mùa sinh trưởng và chế độ canh tác; thay đổi cường độ sản xuất, biện pháp canh tác, tăng cường chất khoáng và giám sát sâu bệnh.

Ngoài ra, để giảm thiệt hại do thiên tai xuống mức thấp nhất, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải chủ động trong công tác phòng chống lụt bão và thiên tai; đồng thời, lên phương án phòng chống, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để đảm bảo an toàn cho người, tài sản khi thiên tai xảy ra./..

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực