Giúp phụ nữ và trẻ em gái có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ

Thứ tư, 29/03/2023 11:15
(ĐCSVN) - Diễn đàn “Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM” nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ để làm chủ không gian mạng và STEM.

Ngày 29/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM” nhằm hưởng ứng chủ đề do Liên hợp quốc phát động cho ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay là “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và các đại biểu đại diện các cơ quan, đối tác cùng thể hiện cam kết hành động vì an ninh mạng và bình đẳng giới trong STEM.

Diễn đàn là sự tiếp nối các sự kiện quốc tế mà Hội LHPN Việt Nam và UN Women phối hợp tổ chức trong những năm qua, nằm trong Thỏa thuận khung hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2022-2026. Đây cũng là hoạt động để góp phần hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội LHPN Việt Nam, ban hành tháng 1/2021.

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam và hơn 400 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ các đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội LHPN cấp Trung ương và 63 tỉnh/thành.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ cũng sẽ giúp phát huy tốt nhất thế mạnh của cả hai giới và tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực của quốc gia đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (gọi tắt theo tiếng Anh là STEM). Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là ở vị trí lãnh đạo, còn hạn chế. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và 28% sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là quá trình số hóa đang mang đến cả cơ hội và thách thức cho phụ nữ và trẻ em gái. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến ở các nước đã từng bị bạo lực trên mạng.

Đại biểu tham dự Diễn đàn 

"Để góp phần thay đổi thực trạng này, rất cần có sự nỗ lực chung của các bên liên quan, để cùng hướng đến những thay đổi trong chính sách vĩ mô cũng như các can thiệp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia đóng góp và thụ hưởng bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời, giúp họ có được kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các thách thức phi truyền thống, nhất là an ninh mạng.

Hội LHPN Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đã có những hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ cũng như đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, trong đó có an toàn trên môi trường mạng. Tháng 1/2021, Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết “hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế” đến năm 2030 trên các lĩnh vực trong đó có khoa học, công nghệ. Hội cũng đã triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nói.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu thảo luận và chia sẻ về những sáng kiến, kinh nghiệm đa dạng trong việc thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM cũng như xây dựng môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực