Hậu Giang: Khó khăn trong việc đưa 80 hộ dân ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào khu tái định cư

Chủ nhật, 23/05/2010 10:15

Mặc dù được gọi là Khu bảo vệ nghiêm ngặc của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng ( thuộc xã Phương Ninh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ) nhưng từ nhiều năm nay, tại khu vực này còn trên 80 hộ dân với trên 300 khẩu sống ngay giữa rừng trong điều kiện “5 không”: không điện, không có nước sạch, không có đường giao thông bộ, không có trường học và không có trạm y tế. Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng, làm thuê làm mướn... để sống qua ngày. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm xảy ra nhiều vụ cháy rừng và săn trộm động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: Do người dân sống rải rác trong rừng nên các điều kiện tất yếu phục vụ sinh họat hàng ngày như: điện, nước sinh họat, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ đều không có. Nước sinh họat được dùng chủ yếu là nước sông nhưng mùa mưa thì nước đỏ ngầu không dùng được, người dân phải dùng bồn, lu khạp chứa nước mưa để xài. Học sinh đi học phải đi bằng xuồng từ nhà đến trụ sở hành chính Khu bảo tồn rồi đi bộ ra đến tận Trung tâm xã Phương Ninh mới có trường để học, vì vậy phần lớn học sinh phải bỏ học giữa chừng. Cũng do người dân ở đây đều nghèo nên cha mẹ thường bắt các con phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng 2 nguồn: trồng lúa và đánh bắt, khai thác động, thực vật hoang dã. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây cháy rừng và săn bắt trộm động, thực vật hoang dã rất khó quản lý. Chỉ tính riêng từ đầu mùa khô đến nay tại Khu bảo tồn đã xảy ra 2 vụ cháy rừng đều do người dân gây ra như đốt đồng để làm ruộng và đốt ong lấy mật.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Hậu Giang đã có kế họach xây dựng khu tái định cư với diện tích 5,2 ha ngay tại trụ sở hành chính Khu bảo tồn để đưa trên 80 hộ dân nói trên vào sinh sống. Hiện nay, dự án đã được phê duyệt và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ triển khai và đến giữa năm 2011 sẽ bắt đầu đưa dân vào ở. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền, thuyết phục làm sao để 80 hộ dân nói trên chấp nhận vào trong khu tái định cư ở vì họ sẽ không có đất sản xuất và phải thay đổi ngành nghề./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực