Học tiếng để hiểu đồng bào

Thứ năm, 07/12/2023 10:50
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Gần 3 năm triển khai, dự án 5 tiểu dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ghi nhận nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia.

Một trong những nội dung đã được các đơn vị bộ đội Biên phòng triển khai tích cực và có hiệu quả trong tiểu dự án này đó là tổ chức các chương trình học tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.

Ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, những lớp học này được gọi là lớp học gần dân, bởi nó giúp bộ đội hiểu hơn về đời sống, về văn hóa của đồng bào, từ đó làm tốt công tác dân vận tham gia phát triển kinh tế và bảo vệ biên cương.

Đều đặn vào mỗi tối thứ Hai và thứ Tư, lớp học tiếng dân tộc Mông của Đồn Biên phòng Na Loi lại sáng đèn. Giáo viên đứng lớp là cán bộ của Đồn cũng là người con của đồng bào Mông. Lớp học kéo dài trong 6 tháng dành cho toàn thể đơn vị, từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ của đội công tác địa bàn. Ngoài các buổi học tập trung tại hội trường, đơn vị còn phân chia thành các tổ, nhóm theo đội công tác. Mỗi tổ do một đồng chí cán bộ là người dân tộc Mông phụ trách hỗ trợ, giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp.

 Mô hình kinh tế của gia đình ông Hoa Phò Ngành do đồn biên phòng Mường Ải xây dựng

Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Loi cho biết, việc tổ chức học tiếng tạo điều kiện cho cán bộ xuống địa bàn có thể giao tiếp với đồng bào, từ đó tuyên truyền chủ trương đến người dân, giúp người dân hiểu được và thực hiện.

Là người con của đồng bào Mông, Trung tá Lầu Bá Rê, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Na Loi được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ soạn giáo án và trực tiếp lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ. Dù chưa có kinh nghiệm sư phạm, song với tinh thần trách nhiệm, Trung tá Rê đã tích cực học hỏi, tìm phương pháp để truyền đạt cho đồng đội dễ hiểu.

“Khó nhất ở đây là tiếng Mông có một số từ gió, mình phát ra âm từ không chuẩn lắm nên phải chịu khó phát đi phát lại rất nhiều lần để anh em nắm được âm chuẩn để nghe được, nói được và hiểu”, Trung tá Rê chia sẻ.

Đêm học lý thuyết tập trung, sáng hôm sau bộ đội mang những nội dung tiếp thu được thực hành khi xuống công tác địa bàn. Những nội dung câu hỏi “chưa tròn vành rõ tiếng” nhưng đồng bào đều hiểu, chia sẻ và tình cảm quân - dân càng thêm gắn bó…

Chị Vừa Y Xía, bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Bộ đội nói được tiếng địa phương nên tuyên truyền bà con dễ hiểu, những người già, phụ nữ ít được đi học đã hiểu được các nội dung tuyên truyền của bộ đội đối với bà con.

Khu vực biên giới là nơi quần tụ của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số. Đứng chân ở địa bàn này, việc thông thạo tiếng của đồng bào là yêu cầu bắt buộc của cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Do đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An mở lớp học tiếng dân tộc Thái được cho cán bộ, nhân viên các phòng, ban, đơn vị cơ sở. Trong thời gian hơn 1 tháng vừa học trực tiếp kết hợp trực tuyến, các học viên có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng của dân tộc Thái, làm cơ sở để tìm hiểu về phong tục tập quán, những đặc trưng văn hoá, xã hội của đồng bào.

Tham gia lớp học, Thiếu tá Hà Huy Thiên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Chúng tôi từ miền xuôi lên công tác ở địa bàn có đông đồng bào sinh sống, quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu hiểu được tiếng của đồng bào sẽ tạo thuận lợi hơn nhiều. Được tham gia lớp học đây là dịp để nâng cao khả năng giao tiếp với đồng bào, nắm phong tục tập quán, qua đó tổ chức cho nhân dân tham gia bảo vệ biên giới, nâng cao hiệu quả công tác”.

Theo bà Hoàng Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An, Ban Tổ chức lớp học đặt ra yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm giảng dạy để kết thúc khoá học các học viên có thể nói và viết được các văn bản tiếng Thái phục vụ giao tiếp và làm tốt công tác dân vận.

Thông thạo ngôn ngữ đã giúp những người lính mang quân hàm xanh đến gần hơn với bà con và họ đã “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”. Từ đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới ở địa bàn biên giới ngày thêm hiệu quả hơn.

Điển hình là mô hình kinh tế của gia đình ông Hoa Phò Ngành, bản Xốp Lau, xã Mường Ải, bộ đội đã hỗ trợ gia đình khai hoang làm ruộng nước, tặng con giống, hỗ trợ ngày công và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất mang lại thu nhập cao, từ đó lan tỏa đến người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Mường Ải thường xuyên gắn bó với địa bàn. Quá nửa cán bộ trong đội là người dân tộc Kinh. Việc giao tiếp với bà con trước đây gặp không ít khó khăn khi ở rẻo cao Mường Ải này, đa số bà con là người đồng bào Khơ Mú, Mông, Thái. Nhiều bà con không biết nói tiếng phổ thông nhất là người già, phụ nữ. Việc thông thạo ngôn ngữ đồng bào giúp các anh tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, không xâm canh xâm cư, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, đặc biệt là không tiếp tay cho các loại tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới… dễ dàng hơn.

“Bộ đội mà nói được tiếng đồng bào thì người dân ưng cái bụng lắm, những người già cũng hiểu được và vận động con cháu xây dựng bản làng, cùng bộ đội bảo vệ biên giới”, ông Moong Phò Hương, người có uy tín bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn tâm sự.

Khi đến với bà con, chúng tôi nói tiếng phổ thông trước, sau đó dịch sang tiếng đồng bào, nên ai cũng có thể hiểu được các nội dung bộ đội tuyên truyền. Thiếu tá Pịt Văn Mương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết thêm.

Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị biên phòng tỉnh Nghệ An đã mở được 36 lớp học tiếng dân tộc với 454 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Học được ngôn ngữ, bộ đội sẽ càng củng cố sự tin tưởng của đồng bào. Không chỉ tích cực học tập để giao tiếp bằng ngôn ngữ các dân tộc, các địa phương trong nước, các chiến sĩ còn chủ động học tiếng dân tộc các nước giáp ranh trên tuyến biên giới để nâng cao hiệu quả của công tác nghiệp vụ.    

Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, qua học tập giúp bộ đội hiểu được chữ viết, tiếng nói, nắm bắt tâm tư của đồng bào, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, quần chúng tin tưởng vào thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm, không để địa bàn xảy ra điểm nóng trong mọi tình huống.

Học tiếng đồng bào cũng giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện “bốn cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào…, từ đó hiểu bà con, gần gũi với bà con, nói bà con tin, vận động bà con làm theo là cơ sở để xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên giới…/.

Bài, ảnh: Hải Thượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực