Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 27/08/2018 15:17
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 27/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên.
Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long biến động bất thường
(Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn)

Dự báo, trong những ngày tới mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 31/8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2m, trên báo động 2 là 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7m, trên báo động 2 là 0,2m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Những ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm. Đến ngày 05/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, trên báo động 2 là 0,15m; tại Châu Đốc ở mức 3,65m, trên báo động 2 là 0,15m.

Cảnh báo:  Đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu 4,5m, Châu Đốc 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, tại Nghệ An: Theo Báo cáo nhanh ngày 26/8 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, thiệt do sạt lở đất tối 25/8 trên địa bàn khối 4, Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã gây sập 01 căn nhà (chủ hộ là ông Trần Văn Thái) do bị đất đá của khối núi phía sau nhà trượt xuống; có 5 nhà xung quanh bị ảnh hưởng (nứt tường), không có thiệt hại về người và tài sản trong nhà vì trước đó chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán người và tài sản các hộ dân này đến nơi an toàn.

Tại Lào Cai: Theo Báo cáo nhanh số 206/VPTT-TH ngày 26/8 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, ngày 24-25/8/2018 mưa lớn xảy ra ở hầu hết các huyện và thành phố gây thiệt hại như sau: Về người: 01 người chết lúc 21h00 ngày 24/8 là anh Phùng Vần Phin (1985) trú tại Thôn Nậm Ngấn, Nậm Sài, Sa Pa, chết do đi xe máy qua suối bị lũ cuốn cả người và xe, đã tìm thấy thi thể lúc 13h00 ngày 25/8 tại suối Nậm Ngấn.

Tại Yên Bái: Theo Báo cáo nhanh số 110/BC-BCH ngày 26/8 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái bổ sung thông tin thiệt hại do mưa dông đêm 24/8 trên địa bàn huyện Văn Chấn như sau: Về người: 02 người dân tộc Mông chết là ông Mùa A Trống (1982) và con rể là Anh Sùng A Chử (1997); cả hai bị lũ cuốn trôi ở xã Suối Bu khi đi làm về, hiện đã tìm thấy thi thể. Về nhà ở: sạt 02 nhà tại xã Cát Thịnh. Về giao thông: 01 cầu vào Trường tiểu học xã Cát Thịnh bị xói mố cầu và 400m đường bê tông bị sạt lở. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính 500 triệu đồng.

Tại An Giang: Theo Báo cáo nhanh ngày 26/8 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang: vào lúc 15h00 ngày 25/8, cống bảo vệ tiểu vùng sản xuất vụ Thu Đông 150ha nằm trên tuyến đường Quốc lộ N1 (đoạn giữa kênh T6 và kênh Xã Võng) thuộc ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn bị vỡ và xì nước miệng cống (cống 2 Ф 1000) do sơ xuất trong quá trình đắp đất cửa cống. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để xử lý ngăn dòng, tiếp tục theo dõi. Không phát sinh thiệt hại do xử lý kịp thời.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mực nước Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ: tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người, về nhà (bị lũ cuốn trôi, bị sập đổ, bị sạt lở phải di dời). Tiếp tục theo dõi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng, bảo vệ lúa và hoa màu.

Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo TWPCTT tại Công văn số 127/TWPCTT về việc sẵn sàng ứng phó thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, các điểm đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ, bão.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển.

Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa Hè Thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các cây trồng khác.

Các tỉnh An Giang và Kiên Giang phối hợp vận hành đập Trà Sư - Tha La theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực