Ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình” gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức khỏe

Thứ sáu, 28/07/2023 20:37
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí đang diễn ra trên cả nước đòi hỏi một chính sách cụ thể để cải thiện vấn đề này. Ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.
 Ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL

 Ngày 28/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm “Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm”.

Thiệt hại từ ô nhiễm không khí là vô cùng lớn 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nhận định, chúng ta đều đang sống ở các thành phố lớn, nơi mà mỗi mùa đông, chúng ta đều cảm nhận rõ rệt bầu không khí ô nhiễm. Hình ảnh bầu trời mù mịt, khói bụi bao phủ đã trở nên quen thuộc ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn những năm qua.

Hàng loạt nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã chỉ ra tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5, - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.

Ông Sưởng cũng cho biết, ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.

Trước những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra, Luật Bảo vệ môi trường 2022 đã đề ra nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó quy định quốc gia và các địa phương phải có Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Đây được coi như là công cụ tổng thể nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.

Chỉ ra nguyên nhân ô nhiễm không khí, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: Ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm từ công nghiệp, ô nhiễm từ giao thông, ô nhiễm từ sinh hoạt...

Ô nhiễm không khí đang diễn ra trên cả nước đòi hỏi một chính sách cụ thể để cải thiện vấn đề này. Ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.

Theo ông Tùng, việc ô nhiễm không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của địa phương, các bộ ban ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng có nhiều hành động để cải thiện vẫn đề này nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

 “Qua Luật bảo vệ môi trường chúng ta cần có một tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Quan trọng cấp thiết nhất là cần nắm rõ các nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm để từ đó có chính sách cụ thể”, ông Tùng cho biết.

Xây dựng quy chuẩn quản lý không khí cấp quốc gia để kiểm soát ô nhiễm

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường: Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ thành phố chỉ chiếm phần ít. Phần lớn ô nhiễm đến từ các tỉnh ngoài, thậm chí xuyên biên giới.

 Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL

Để kiểm soát ô nhiễm, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, truyền thông nâng cao nhận thức người dân cũng như đầu tư các giải pháp kỹ thuật.

Theo bà Thanh, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong lĩnh vực quản lý môi trường không khí và đưa ra giải pháp giảm thiếu ô nhiễm. Hà Nội đã thí điểm áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm.

Xây dựng trung tâm chuyển dữ liệu về Sở TN&MT và công bố lên cổng thông tin thành phố để người dân cập nhật thông tin trước khi ra đường.

“Đến nay dự thảo quản lý ô nhiễm đã cơ bản xong và có cuộc hội thảo xin ý kiến sở ban ngành quản lý, nhà khoa học… Sau đó xin các ý kiến đơn vị liên quan, chỉnh sửa bổ sung và đánh giá thực trạng, có giải pháp ngắn hạn, dài hạn để có công cụ quản lý tốt nhất mang lại bầu không khí sạch cho Hà Nội”, bà Thanh chia sẻ

Đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết: Bộ đang triển khai nhiều biện pháp. Để hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.

Hiện nay trên cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.

Theo ông Nam, để có căn cứ thực hiện đồng bộ hơn nữa việc cải thiện không khí trên cả nước và địa phương, theo Kế hoạch ban hành, Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường.

“Theo tôi phải xác định được nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do công nghiệp, giao thông, dân sinh,…”, ông Nam cho biết

Ông Nam khẳng định, để kiểm soát tốt hơn ô nhiễm không khí từ công nghiệp Bộ TN&MT đã rà soát sửa đổi kỹ thuật quốc gia về chất lượng công nghiệp để các đơn vị lấy đó là thước đo.

Để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động cụ thể là các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang tiến hành rà soát thực tế để từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới.

Về quản lý chất lượng không khí, Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực