Phát triển chuỗi sản phẩm tín dụng chính sách

Thứ ba, 11/05/2021 15:55
(ĐCSVN) - Ở nước ta, tín dụng chính sách được thiết kế thành một chuỗi các sản phẩm phục vụ người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo suốt tiến trình phát triển của họ. Bằng ưu việt này, Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng đã trở thành trụ cột quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, tạo nguồn lực cho
các địa phương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Năm 2013, anh Pang Ting Y Thuốt, người M’nông, ở thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng mạnh dạn vay 30 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để xây chuồng trại, mua bò giống và cải tạo vườn cà phê già cỗi. Sau 2 năm, từ 1 con bò mua bằng vốn vay, gia đình anh đã có 3 con và 1,2 ha cà phê cho năng suất 4,5 tấn, cao hơn 2 tấn so với trước đó. Nhờ vậy, gia đình anh đã thoát nghèo và trả xong toàn bộ khoản nợ vay. Đầu năm 2016, anh Y Thuốt chuyển sang vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo, với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng diện tích cà phê và trồng thêm một số loại cây mới như bơ, mít, sầu riêng, dâu tằm. Năm 2018, anh tiếp tục vay NHCSXH 12 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và công trình cấp nước sạch, cải thiện điều kiện sống.

Trường hợp của anh Y Thuốt chính là điển hình được thụ hưởng phương thức tín dụng chính sách theo chuỗi do NHCSXH thực hiện. Như anh bày tỏ, đồng vốn đúng thời điểm, đã theo suốt hành trình phát triển của gia đình anh từ khi là hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho đến thời điểm vay vốn để cải thiện điều kiện sinh hoạt theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều do Nhà nước quy định.

 Theo số liệu của NHCSXH, giai đoạn 2016 - 2020, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH đã đạt trên 299 nghìn tỷ đồng với trên 20 chương trình tín dụng. Số vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước, đảm bảo hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách và các dịch vụ ngân hàng do đơn vị cung cấp.

 Điểm ưu việt của tín dụng chính sách ở nước ta là đã thiết kế một chuỗi các sản phẩm tín dụng phục vụ người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo suốt tiến trình phát triển của họ. Từ nghèo, cận nghèo đến khi thoát nghèo đều có sự hỗ trợ của tín dụng chính sách thông qua 3 chương trình tín dụng được triển khai đồng thời là chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo và cho vay hộ mới thoát nghèo. Hiện nay, trong cơ cấu vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH, chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 14,6% tổng dư nợ; cho vay hộ cận nghèo chiếm 15%; cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 17,1%.

 Chuỗi sản phẩm tín dụng của 3 nhóm chương trình trên đã tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân, vừa hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa giải quyết sự thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, học tập, nước sạch, vệ sinh môi trường… với mục tiêu không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.

 Bằng điểm ưu việt này, NHCSXH và chính sách tín dụng đã trở thành trụ cột quan trọng trong Chương trình. Như đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo ở nước ta giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

 Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, NHCSXH đặt mục tiêu phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài; duy trì vai trò là định chế tài chính công, thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

 Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, mở rộng tín dụng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức; mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Để thực hiện các định hướng này, NHCSXH sẽ tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW.

 Bên cạnh đó, NHCSXH tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Đó là: phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.

 Thực tế đã chứng minh, đây là phương thức quản lý vốn đúng đắn, giúp cho việc giải ngân nguồn vốn tín dụng kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng; nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt là của chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cùng chung tay giúp người nghèo, đối tượng chính sách khác./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực