Quảng Nam: Quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số

Thứ bảy, 09/03/2024 10:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trên cơ sở Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian quan tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số và các nhiệm vụ có liên quan của công tác này.
 Nhiều chuyển biến tích cực cả trong công tác chuyển đổi số tên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay địa phương này đang tiếp tục đầu tư các nguồn lực nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số. Nhờ đó, nhiều chuyển biến tích cực cả trong công tác chuyển đổi số và Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong các kết quả đạt được, kết quả lớn nhất đó là sự vào cuộc của cả Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, không đơn vị nào đứng ngoài cuộc trong công tác này. Riêng trong năm 2023 vừa qua, công tác chuyển đổi số đã cải thiện rõ, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh được đảm bảo; hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt cơ bản đáp ứng yêu cầu về triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung.

Cùng với đó, Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06; được sự hưởng ứng của Nhân dân và chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền. Việc thực hiện Đề án 06 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023. Công tác chuyển đổi số được các ngành, địa phương bám sát mục tiêu, các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh uỷ để ban hành kế hoạch năm, kế hoạch theo từng giai đoạn để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, bên cạnh kết qủa đã được, hiện công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó đáng kể nhất là công tác chỉ đạo, điều hành tại một số sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm lãnh đạo của thủ trưởng đơn vị trong điều hành hoạt động chuyển đổi số, Đề án 06; một số hệ thống thông tin quan trọng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh chậm hoàn thiện; tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn hạn chế, chất lượng các dịch vụ công chưa cao, chậm tái cấu trúc quy trình đối với một số dịch vụ công trực tuyến; công việc nhập dữ liệu trên nền Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tại nhiều địa phương thực hiện chậm và chưa được đầy đủ. Số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai, người lao động triển khai còn chậm...

Cạnh đó, hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan đến chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại một số địa phương; việc bố trí nguồn lực, nhân lực cho chuyển đổi số và Đề án 06 tuy có tập trung nhưng vẫn còn khó khăn; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được chú trọng; công tác chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng an sinh xã hội thực hiện chưa tốt; nhiều người dân chưa thích ứng kịp thời trên môi trường điện tử và các ứng dụng trong công tác chuyển đổi số; công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận trong xã hội để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế.

Lực lượng Công an các cấp đến tận nhà dân để thu thập dữ liệu làm căn cước công dân. 

Ngoài ra, mặc dù trong những năm qua, Quảng Nam đã dành nhiều quan tâm cho công tác tuyên truyền công tác chuyển đổi số và triển khai thực hiện Đề án 06, song sự tham gia vào cuộc tuyên truyền của các cơ quan báo, đài tại địa phương đối với công tác này chưa cao; một số thành viên Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh chưa thực hiện hết trách nhiệm, thiếu chủ động tham mưu tháo gỡ khó khăn đối với nhiệm vụ Đề án 06 thuộc lĩnh vực phụ trách; công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ, cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành còn hạn chế.

Trước thực tế đó, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có văn bản chỉ đạo triển khai công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác bám sát chủ đề năm 2024 của Chính phủ “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp” quyết liệt trong chỉ đạo, tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được giao.

Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường đổi mới, bám sát thực tế để tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hưởng ứng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng trong công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, phân công triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành trong tháng 3/2024.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, đa dạng kênh, hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp sử dụng, hoàn thành trong tháng 3/2024.

Tham mưu, ban hành sửa đổi quy chế, phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên Ban chỉ đạo, Tổ Công tác Đề án 06 các cấp; công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành để tăng tính đồng bộ, giảm chồng chéo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ Đề án 06, hoàn thành trong tháng 3/2024.

 Người dân Quảng  Nam  ứng dựng công nghệ số để tra cứu hàng hoá.

Tập trung xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được phê duyệt, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đúng lộ trình của tỉnh. Tăng cường sử dụng, phát huy hiệu quả các nền tảng số, hệ thống dùng chung của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế, tăng cường đa dạng cách thức thực hiện, nâng cao nhận thức của đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, đảm bảo hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại địa phương để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.

Tổ chức số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chú trọng số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đảm bảo đúng quy định; kiểm tra đánh giá tình hình, giải pháp thực hiện, số lượng, chất lượng hồ sơ số hóa.

Về nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tập trung nguồn nhân lực, hạ tầng, phương tiện, kịp thời xây dựng phương án triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo hoàn thành việc số hóa hồ sơ địa chính, chú trọng việc kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện trong tháng 3/2024.

Triển khai đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin dùng chung, dùng riêng theo Đề án nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị công nghệ thông tin phục vụ Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; lưu ý các các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông quan tâm khắc phục các hạn chế trong cung cấp dịch vụ, xây dựng lộ trình đầu tư hạ tầng viễn thông để phủ sóng mạng 3G, 4G ở khu vực miền núi, các khu vực lõm sóng phục vụ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện Đề án 06./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực