Tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước

Thứ tư, 08/02/2023 13:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Lao động đi làm việc ở nước ngoài về trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan thông tin tại Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) tổ chức ngày 8/2.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự tham gia của các đại biểu đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; đại diện Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế (ILO, IOM, UNWomen).

Hội thảo là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Quỹ châu Á (TAF).

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khái quát, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani... Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tổ chức cuộc Hội thảo ngày hôm nay để chia sẻ những nghiên cứu có được từ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cũng như tạo diễn đàn trao đổi cởi mở về những cơ hội và thách thức mà lao động di cư trở về gặp phải trong việc tái hòa nhập vào cộng đồng và thị trường lao động.

Qua những trao đổi của các bên liên quan, Hội thảo mong muốn có được cái nhìn tổng thể đầy đủ và sát thực để đưa ra các khuyến nghị về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường lao động trong nước và khu vực.

Tại hội thảo, bà Katherine Loh - Tư vấn quốc tế bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư.

"Lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đều nói rằng, những kinh nghiệm, kiến thức họ có được trong quá trình làm việc thật sự giá trị. Nếu được hỗ trợ, khi trở về nhóm lao động này sẽ có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội qua những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc tại nước ngoài", bà Katherine Loh chia sẻ.

Dự kiến, Báo cáo quốc gia của Việt Nam sẽ được hoàn thiện trong Quý I năm 2023. Trong giai đoạn tiếp theo, Báo cáo của Việt Nam sẽ được sử dụng làm tiền đề để xây dựng phương pháp tiếp cận vấn đề với các quốc gia trong khu vực ASEAN nhằm xây dựng báo cáo cấp khu vực về Tái hòa nhập cho lao động di cư quay trở về./.


TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực