Tập trung phát triển vùng dân tộc thiểu số ít người

Thứ tư, 23/12/2020 18:04
(ĐCSVN) - Người Cống và Si La là hai dân tộc thiểu số rất ít người, đặc biệt khó khăn sinh sống tại tỉnh Điện Biên. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, hai dân tộc này đang có xu hướng tụt hậu, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có giải pháp hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn.

Dân tộc Cống sinh sống chủ yếu ở 4 bản, 3 xã, 3 huyện của tỉnh Điện Biên gồm: bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Huổi Moi, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Lào, có độ cao trung bình 500 - 650m so với mặt nước biển. Người Cống đang được thụ hưởng các chính sách theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”.

Điều kiện sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người như dân tộc Cống, Si La hiện còn gặp rất nhiều khó khăn (trái); Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Dân tộc tặng quà cho hộ nghèo người Cống tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. 

Tỉnh Điện Biên hiện chỉ có duy nhất một bản người Si La cư trú, đó là bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Người Si La được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”.

 Để phát triển vùng đồng bào dân tộc Cống, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên Giàng A Dình cho biết, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã bố trí trên 92,5 tỷ đồng đầu tư 14 công trình hạ tầng gồm: điện, cầu treo, đường giao thông vào một số bản, xây dựng cộng trình cấp nước sinh hoạt.

 Bên cạnh đó, đến nay, các địa phương đã giải ngân được 8,6 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch vốn sự nghiệp để hỗ trợ cấp gạo vào thời điểm thiếu đói giáp hạt cho trên 1.700 lượt người; hỗ trợ các gia đình mắc điện sinh hoạt, di chuyển nhà ở, làm nhà vệ sinh…

 Đồng vốn sự nghiệp cũng đã được tỉnh tập trung hỗ trợ người dân tiến hành khai hoang, cải tạo đất với định mức 50 triệu đồng/bản; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, kiến thức sản xuất cho bà con; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo xóa mù chữ và tiếng phổ thông cho 190 người; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai; đầu tư trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng; mua radio cho các hộ; hỗ trợ khôi phục và sản xuất các nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc…

 Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin - nơi cư trú của người Si La cho biết, bản đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa 3 công trình: giao thông; nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng. Toàn bộ 48 hộ dân của bản đã được hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm, hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, mua vật tư phân bón phục vụ sản xuất; đồng thời được tập huấn nâng cao trình độ sản xuất. Người Si La cũng đã được phục dựng một lễ hội truyền thống, khôi phục trang phục truyền thống; thành lập và duy trì đội văn nghệ của bản.

 Đánh giá về những chuyển biến ở vùng người Cống sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 78,8% năm 2012 xuống còn 50% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đa số đồng bào đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm; trường lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

 So với vùng người Cống thì bản người Si La ở Điện Biên chuyển biến chậm hơn do mới tổ chức thực hiện chính sách hai năm nay và cũng phải đến năm 2020 thì mới được Trung ương cấp vốn gần 11 tỷ đồng, chỉ bằng 18,13% nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương.

 Bên cạnh yếu tố vốn cấp chậm và thấp, nói về những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp khi thực hiện chính sách đối với người Si La, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Thào A Dế nhận xét, kinh tế - xã hội của người Si La có xuất phát điểm thấp, trình độ sản xuất kém, dựa vào thiên nhiên, diện tích đất canh tác ít, thu nhập chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng chi trả.

 Ngoài những yếu tố bất khả kháng như gia đình gặp thiên tai, ốm đau thì còn có một bộ phận không nhỏ người dân còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, ý thức thoát nghèo không cao. Đồng chí Thào A Dế đơn cử ví dụ huyện Mường Nhé đã vận động mỗi hộ dành ra diện tích từ 2.000 - 5.000 m2 quanh nhà để trồng rau, cây ăn quả nhưng người dân vẫn không muốn làm; hay sau khi được hỗ trợ lợn để phát triển chăn nuôi thì lại mổ thịt để ăn. Thêm nữa, không ít gia đình trong bản còn có người nghiện hút. Chính từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà tỷ lệ hộ nghèo trong bản người Si La giảm rất chậm, từ 100% năm 2017 xuống còn 95,6% năm 2019.

 Với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn tới 50% đối với dân tộc Cống và 95,6% đối với dân tộc Si La, có thể thấy trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hai dân tộc này đang tụt hậu, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có giải pháp hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các dân tộc thiểu số khác.

 Rút kinh nghiệm thực hiện chính sách trong các năm trước, theo đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tới đây, các chính sách hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc thiểu số nói chung, hai dân tộc Cống, Si La nói riêng cần hạn chế thấp nhất việc cho không, chuyển sang cho vay lãi suất thấp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng đồng vốn của người dân.

 Vùng các dân tộc Cống, Si La có đặc điểm chung là dễ sạt lở đất, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai nên sản xuất nông nghiệp thuần túy rất dễ rủi ro. Mặt khác, đồng bào đều sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà hoặc rừng tự nhiên. Hiện nay, đối với khu vực lưu vực sông Đà, tỉnh Điện Biên đang chi định mức hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng 1 triệu đồng/ha/năm. Và trên thực tế đã có những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập rất lớn với người dân tộc thiểu số ở những nơi vùng sâu, vùng xa so với sản xuất ngô, lúa hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc quy mô nhỏ. Bởi vậy, chính sách đối với nhóm dân tộc này nên tập trung theo hướng nâng định mức hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng thì sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa giữ được rừng, vừa giúp dân có thu nhập, bảo đảm cuộc sống./.                                         

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực