Thảo luận, góp ý vào văn kiện trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Thứ sáu, 01/12/2023 18:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhiều vấn đề quan trọng của nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã được các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thảo luận, góp ý kiến.

Phiên làm việc thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Chiều 01/12, đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã thảo luận, góp ý vào văn kiện trình Đại hội. 

10 trung tâm thảo luận được tổ chức để đại biểu góp ý kiến. 

Quan tâm đến các chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đại biểu Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới khu vực phi chính thức, vì hiện nay, việc dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức đang diễn ra ngày càng rõ. 

Đại biểu Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Chang Shin (Đồng Nai) nhận định, sau đại dịch COVID-19, lực lượng lao động có diễn biến phức tạp. Bên cạnh tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt trái tác động tới nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chính sách của tổ chức công đoàn tới công nhân, người lao động. Tín dụng đen, cờ bạc online tác động tiêu cực đến không ít người lao động, ảnh hưởng trực tiếp tới lực lượng sản xuất.

Đại biểu Đặng Tuấn Tú cho rằng, thực tế này đặt ra yêu cầu đối với tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn, đó là nắm bắt tình hình, quan tâm hơn tới đoàn viên, người lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc làm, đời sống.

Đồng tình với 3 khâu đột phá dự kiến được đưa ra trong nhiệm kỳ này, đại biểu Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch Công đoàn Cục Đường bộ Việt Nam (Công đoàn ngành Giao thông Vận tải) cho rằng, khâu đột phá về xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là vô cùng cần thiết. Công tác đối thoại, thương lượng có đạt được hiệu quả hay không là từ đội ngũ này.

 Đại biểu góp ý vào văn kiện trình Đại hội

Cũng liên quan đến đội ngũ cán bộ công đoàn, đại biểu Phạm Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho hay, tổ chức bộ máy của Công đoàn Hà Nam đang gặp nhiều khó khăn. Biên chế nhân sự hiện không đảm bảo để hoạt động, nhiều vị trí phải kiêm nhiệm.

"Chúng tôi hiện thiếu 46 biên chế nhưng không có để tuyển vào nữa. Có những nơi, bộ máy chỉ có 3 người gồm chủ tịch, phó chủ tịch và kế toán. Tình trạng này rất đáng lo ngại. Trong nhiệm kỳ này, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm về số lượng chỉ tiêu biên chế cho Liên đoàn Lao động các địa phương, trong đó có Hà Nam", đại biểu Giang nói.

Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ xin ý kiến tại Đại hội:

- Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.

- Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu

Các khâu đột phá:

(1) Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. 

(2) Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 

(3) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

 

Tuấn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực