Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công

Thứ sáu, 27/07/2018 09:49
(ĐCSVN) - Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác chăm sóc người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có công.

  

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”
cho thân nhân các Mẹ.

Nỗ lực giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng

Giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng tồn đọng là vấn đề khó khăn và phức tạp. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội, Thừa Thiên Huế đã giải quyết dứt điểm hàng nghìn hồ sơ tồn đọng, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách quan tâm, ưu đãi người có công.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số hồ sơ tồn đọng là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp, có nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Vướng mắc chủ yếu là nhiều người làm chứng không còn sống; có những nội dung xác nhận nêu chung chung hoặc mâu thuẫn ngay trong nội dung của người làm chứng; phải xác minh nhiều lần, ở nhiều nơi; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất hoặc tuổi cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục...

Thừa Thiên Huế là 1 trong 9 địa phương chủ động áp dụng thí điểm xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế có trên 110.000 hồ sơ NCC, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương bệnh binh, 2.185 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH (nay có 89 Mẹ đang sống), gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, hơn 30.000 người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 30.000 người có công giúp đỡ cách mạng,…

Hàng năm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 7.000 hồ sơ đề nghị xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ NCC. Thời gian cao điểm như năm 2014, Sở đã tiếp nhận 15.039 hồ sơ các loại, giải quyết được 13.570 hồ sơ và đề nghị bổ sung hoàn thiện 1.496 hồ sơ. Qua 5 năm (2012 -2017), Sở đã tiếp nhận và giải quyết trên 37.000 hồ sơ; giải quyết hơn 31.000 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách; có 1.285 bà mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng; có 619 trường hợp được thưởng Huân chương độc lập cách mạng; 500 trường hợp thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương được xác nhận và giải quyết chế độ.

Có được kết quả trên là nhờ trong việc xác nhận hồ sơ NCC, giải quyết chế độ chính sách, ngành LĐ-TB&XH đã đưa phần lớn các loại hồ sơ vào thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông. Công tác giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã được thực hiện công khai, minh bạch.     

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà tặng quà cho gia đình chính sách ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người có công

Trong những năm qua, hầu hết người có công trên địa bàn đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Phạm vi, đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi từng bước được cải thiện. Các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ"... được phát triển sâu rộng ở các địa phương, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng, cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 24.000 người có công được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Các đối tượng chính sách không hưởng lương và Bảo hiểm xã hội đều được tỉnh trích ngân sách mua thẻ Bảo hiểm y tế và khi mất thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí. Từ năm 2012 cho đến 2017, toàn tỉnh có 4.648 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, trong đó có 1.499 nhà được hỗ trợ xây mới và 3.149 nhà được sửa chữa với tổng kinh phí 122.940 triệu đồng; đến nay có trên 99% gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng.

Hàng năm, cùng với tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7), các địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi quan tâm đến các gia đình có công như: ưu tiên đất sản xuất, miễn giảm thuế sử dụng đất; hỗ trợ tạm ứng trước vật tư, phân bón, miễn giảm một số khâu dịch vụ; trợ cấp khó khăn đột xuất, ưu đãi trong học tập cho con em người có công... Nhờ đó, đời sống của các gia đình chính sách cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm sâu sắc, cụ thể công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện có kết quả. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm triển khai liên tục, rộng khắp. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân.

Trong những ngày hướng đến kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh... Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và vận động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Qua đó, tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về công tác đền ơn, đáp nghĩa. Động viên, khuyến khích cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa người có công bằng những việc làm cụ thể. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm; đồng thời, động viên, khen thưởng xứng đáng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác quan trọng này./.       

Bài, ảnh: Đắc Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực