Tìm giải pháp trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp

Thứ sáu, 29/03/2024 21:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023 là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ngồi lại với nhau, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ngày 29/3, Báo Lao động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Lao động Nguyễn Đức Thành, Diễn đàn nhằm nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy sự tham gia tích cực của các công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp trên toàn quốc; tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ngồi lại với nhau, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hiện việc thu gom, quản lý rác của công nhân vô cùng vất vả.

Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Hoàng Thị Bích Hạnh cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom gần 7.000 tấn rác thải (tương đương gần 0,8 kg/người/ngày), tăng 5-10%/năm. Hiện Công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức vì việc thu gom, quản lý rác của công nhân vô cùng vất vả vì số lượng lớn, nhiều ngõ, ngách nhỏ, điểm tập kết rác rất hạn chế, không có quy hoạch điểm tập kết. Bên cạnh đó, nhiều loại rác thải nhựa cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ; không có ý thức phân loại rác; rác thải đôi khi lẫn nước... gây ô nhiễm môi trường.

"Chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rác rất lớn. Bởi lẽ, ở nhiều quốc gia, rác được tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. Người dân làm rất bài bản, họ phân loại ngay trong gia đình thành rác vô cơ riêng, rác hữu cơ riêng. Người dân muốn dùng túi nilon thì phải mua... Tại Việt Nam, 42% rác thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ trước khi triển khai thực hiện, cùng chế tài cụ thể. Ngoài ra, cần phải có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững như giảm chi phí nếu rác được phân loại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế, chẳng hạn như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp", bà Hạnh kiến nghị.

Ông Vũ Văn Minh, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ người lao động nên ý thức trong khi làm việc nâng cao rõ rệt thể hiện qua việc các loại rác thải nguy hại trong sản xuất - kinh doanh như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại... đều được xử lý theo quy định. Họ cũng chủ động giảm đồ nhựa dùng một lần bằng cách sử dụng bình nước cá nhân khi làm việc, thay túi nilon bằng túi giấy, gom pin qua sử dụng tại nơi cư trú...

Quang cảnh Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023.

Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường Dương Trung Thành kiến nghị cần đẩy mạnh những thông điệp như: “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, "Biến rác thải nhựa thành tiền", "Đổi rác thải lấy cây xanh", "Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế”…/.

 

Tiến Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực