Xuân Giáp Thìn trẩy hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên

Thứ bảy, 02/03/2024 22:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đã là thông lệ, cứ sau tết âm lịch cổ truyền hàng năm, trong những ngày đầu xuân năm mới, lễ hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ được long trọng tổ chức, thu hút hàng chục ngàn du khác thập phương xa gần về tham dự.

Tham dự lễ hội cũng là dịp để hậu thế ôn lại trang sử oanh liệt, truyền thống hào hùng, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta; tri ân và khắc ghi công lao đối với nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, các bậc tiền nhân và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Theo thông lệ, lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 Tết hàng năm, (ngày mở cổng trời, cho phép du khách lên thắp hương, cầu cúng tại khu huyệt đạo) và có thể kéo dài đến hết tháng Giêng. Nhưng ngay từ trong tết, rất đông khách hành hương đã về đây tham quan, vãn cảnh và chiêm bái...

leftcenterrightdel
Các tiết mục biểu diễn văn hoá tại lễ hội Đền Nưa - Am Tiên

Theo nghi lễ truyền thống, lễ hội Đền Nưa - Am Tiên thường được bắt đầu với các nghi lễ: rước nước từ Giếng Tiên, Huyệt đạo Am Tiên đến Đền Nưa, Nghè Giáp. Sau đó tiếp tục rước kiệu tại Đền Nưa, Nghè Giáp ra sân vận động thị trấn Nưa, trung tâm khu vực Đàn tế… năm nay, các đoàn tham gia lễ hội được chuẩn bị rất công phu với nhiều tiết mục đặc sắc, kết hợp với nhau tạo nên một chương trình hoành tráng, thể hiện đầy đủ văn hoá lễ hội truyền thống của địa phương.

Dẫn đầu đoàn rước là đội múa sư tử, đội cồng chiêng. Tiếp theo là đội trống hội, các đội cờ, đội mâm lễ sơn trang, đội phường bát âm, đội kiệu, thuyền, võng và chấp kích bát bửu; đội tế lễ, đội các bô lão, đội nữ binh, dân binh tháp tùng linh vật, đội nhà nông và quan viên…

Tiếp đó là phần biểu diễn trống và múa cờ hội, biểu diễn cồng chiêng, gợi nhớ về thuở khởi nguyên của vùng đất và con người Tân Ninh - Cổ Định. Sau hồi trống khai hội, là nghi lễ cáo yết. Ngay sau các nghi thức khai lễ, các đại biểu và đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương đã thực hiện nghi lễ dâng hương trên lễ đường đàn tế và thỉnh lộc, tưởng nhớ công đức của tiền nhân, các anh hùng dân tộc và cùng nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà an lành, hạnh phúc.

leftcenterrightdel
Bộ sưu tập hiện vật văn hoá Đông Sơn tại Đền Nưa - Am Tiên

Quần thể di tích lịch sử quốc gia “Đền Nưa - Am Tiên” là một địa danh nổi tiếng thu hút du khách bốn phương vì nơi đây không chỉ là nơi thờ Bà Triệu, mà còn là một trong ba huyệt đạo được xem là linh thiêng bậc nhất nước Nam. Quần thể di tích lịch sử núi Nưa - Am Tiên gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Bà Triệu còn có tên là Triệu Thị Trinh, cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt đã kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ đứng lên đánh giặc cứu nước. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Bà cùng với các nghĩa sĩ, quân dân đã lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, khiến giặc Ngô phải khiếp sợ. Bà Triệu với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người” vẫn được lưu danh sử sách muôn đời. Nơi đây hiện cũng đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật văn hoá Đông Sơn có cách đây 2000 - 2500 năm, được phát hiện tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu hơn 100m sẽ thấy huyệt thiêng, còn gọi là huyệt khí dương. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay cổng trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Huyệt đạo thiêng ở đây là một khoảng đất rộng, được xây tường đá bao quanh, bán kính khoảng 21m, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan đến chiêm bái, thưởng ngoạn vào mỗi dịp đầu năm. Từ nơi đây nhìn xuống mới thấy được vẻ thâm ngiêm và đắc địa của vùng núi luôn được mây mù bao phủ, tạo nên một địa thế vô cùng hiểm trở, thể hiện tài năng quan sát và sử dụng địa thế quân sự của nữ tướng Triệu Thị Trinh từ đầu thế kỷ thứ III. 

leftcenterrightdel
Huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh núi Nưa được nhiều người tìm về thắp hương, cầu sức khoẻ, bình an

Ông Lê Văn Sơn, cán bộ Ban Quản lý di tích cho biết: “Năm nay, huyện Triệu Sơn phối hợp với chính quyền thị trấn Nưa tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2024. Để đảm bảo phương tiện đi lại phục vụ người dân vào dịp lễ Tết đầu năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã đầu tư chỉnh trang các phương tiện xe vận chuyển, bãi xe, cán bộ, công nhân đầy đủ để trông coi, vận chuyển du khách lên huyệt đạo nằm trên đỉnh núi Nưa. Ban Quản lý di tích đã bố trí 14 xe ô tô để vận chuyển du khách lên xuống, trong đó có 2 xe di chuyển phục vụ đi trong khu vực đền để giải quyết các công việc nội bộ, còn lại là phục vụ du khách xa gần. Mặc dù, Ban Quản lý di tích đã bố trí các phương tiện vận chuyển tối ưu nhưng cũng không đủ phục vụ nhu cầu nhân dân trong những ngày lễ chính. Với đà này, thời gian tới lượng du khác về địa phương tham gia lễ hội sẽ còn đông hơn. Rất mong các cấp các ngành tạo điều kiện để địa phương có thể nâng cấp, bổ sung các phương tiện chuyên chở, giao thông và các phương tiện cần thiết khác, phục vụ thuận lợi du khách xa gần về dự lễ hội…".

Lễ hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên là một trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian, gắn liền với quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Đây cũng là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh bản địa độc đáo, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa đa dang và phong phú của dân tộc Việt Nam./.

Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực