Khẳng định vai trò của công tác dân vận trong xây dựng Đảng

Thứ năm, 15/10/2020 10:54
(ĐCSVN) – Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020), nhiều địa phương trong cả nước đã có những hoạt động thiết thực, khẳng định công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Dương cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020. Ảnh:TTXVN

Cán bộ làm công tác dân vận thực hiện nghiêm việc nêu gương trước nhân dân

Ngày 11/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020) và biểu dương các điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị phải coi công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể làm tham mưu và là nòng cốt. Công tác dân vận phải đổi mới, hướng về cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Các cấp ủy đảng tiếp tục tập trung lãnh đạo, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới; chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải cụ thể, có trọng tâm và thực sự có chất lượng, giải quyết những việc khó, những việc mà người dân cần và đang quan tâm; tiếp tục quan tâm chăm lo, bồi dưỡng cho các điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, cách làm sáng tạo để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Các cán bộ làm công tác dân vận phải thực hiện nghiêm việc nêu gương trước quần chúng, nhân dân, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, bám sát thực tiễn cuộc sống như lời Bác Hồ đã dạy “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để tham mưu kịp thời cho cấp ủy giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Hải Dương trong nhiều năm qua đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và lực lượng làm công tác dân vận quan tâm chỉ đạo, thực hiện gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội phát động. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Nhờ dân vận khéo, trong 10 năm qua, Hải Dương đã huy động nhân dân đóng góp khoảng 3.600 tỷ đồng, trên 5 triệu ngày công lao động và hiến gần 1 triệu m2 đất vườn, đất ở, trên 3,8 triệu m2 đất ruộng, nhiều nhà hảo tâm, con em quê hương thành đạt đã ủng hộ tổng số 358 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID -19, nhờ sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chỉ riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh ủng hộ số tiền trên 30 tỷ đồng cùng nhiều thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng, chống dịch, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đã ủng hộ trực tiếp tại các địa phương, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch…

Hậu Giang xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Ngày 9/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020).

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí  Huỳnh Thanh Tạo - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang khẳng định, từ khi thành lập tỉnh đến nay, công tác dân vận của tỉnh Hậu Giang được thực hiện tốt, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tận tâm, có năng lực. Sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện vận động quần chúng đã góp phần kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cũng lưu ý, xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy các cấp có chủ trương, biện pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân.

Thời gian qua, hệ thống dân vận tỉnh Hậu Giang đã chú trọng đổi mới công tác tham mưu, phương thức thực hiện công tác dân vận; bám sát cơ sở, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân. Qua đó, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Với phương châm "Đảng nói – Dân tin, Mặt trận và các đoàn thể vận động – Dân theo, Chính quyền làm – Dân ủng hộ", hệ thống dân vận các cấp đã tham mưu cấp ủy phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.

Từ năm 2016 – 2020, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã thực hiện hơn 4.000 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Các mô hình "Camera an ninh" tại phường IV, thành phố Vị Thanh; "Dân vận khéo trong công tác hòa giải" của Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ; "Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và giúp nhau phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc" tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp… đã góp phần động viên và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Nghệ An kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và Biểu dương điển hình "Dân vận khéo"

Ngày 9/10, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020) và Biểu dương điển hình "Dân vận khéo" Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020.

 Nghệ An kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng. Ảnh: TTXVN

Nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận, cùng với cả nước, trong những năm qua, công tác dân vận ở Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ đảng đã có bước đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo công tác vận động quần chúng, hướng hoạt động sâu sát cơ sở, đưa công tác dân vận thành một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 4.280 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; 421 điểm sáng về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, 309 điểm sáng về công tác dân vận chính quyền. Các mô hình không chỉ tăng về số lượng mà cả quy mô cũng như độ bền vững và có sức lan tỏa lớn trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Điển hình là các phong trào "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân; đã huy động nhân dân hiến hàng triệu m2 đất, hàng vạn ngày công, hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay Nghệ An đã có 246 xã và 4 huyện về đích nông thôn mới.

Bên cạnh đó, "Dân vận khéo" ở Nghệ An cũng góp phần vào việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng và triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được nhân dân đồng thuận, góp phần giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu kiện đông người, tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, xóa đói giảm nghèo, vấn đề đoàn kết lương giáo, đoàn kết các dân tộc… mang đến sự bình yên trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"… Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng các mô hình tốt./.

Hương Thu (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực