Bài 3: Đặc biệt chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái...biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"

Thứ sáu, 08/10/2021 16:43
(ĐCSVN) - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng là sự tiếp tục và làm sâu sắc thêm về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng bổ sung, hoàn thiện một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Điểm đặc biệt của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

Khi ban hành NQTW 4 khóa XII, Đảng ta đã tổng kết những việc đã làm được và chưa được của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, trong đó nhấn mạnh “chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường”. Đó là tiền đề để Đảng ta tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đây cũng là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội XII đã đề ra.

leftcenterrightdel
Điểm nhấn của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII là ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ 

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đó, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, bổ sung thêm nhiều nội hàm quan trọng, cụ thể hóa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống; "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Chưa bao giờ có một Nghị quyết cụ thể các biểu hiện và nhiệm vụ giải pháp như ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: 27 biểu hiện, 29 nhiệm vụ giải pháp. Nghị quyết ra đời với mục tiêu “chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình”. Nghị quyết giúp ta nhận diện khá đầy đủ, sắc nét về  sự suy thoái trong đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; và thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nhận diện đúng là để qua đó mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình.  Với Nghị quyết này, mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể “tự soi” những khuyết điểm, sai lầm của mình, mỗi người dân đều có thể là một “camera” phát hiện cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất; và nếu chệch hướng, cán bộ đảng viên có thể “tự sửa” theo 29 giải pháp được đề ra, nếu sai phạm, sẽ có các biện pháp "phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả".

Một số kết quả quan trọng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt coi trọng, thông qua và ban hành nhiều quy định, chỉ thị, hướng dẫn quan trọng về lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể kể đến các văn bản như: Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/07/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng; Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18/6/2019 của Ban Bí thư về chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú và đã thành lập trên 40 đoàn kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương.

Việc ban hành, triển khai và thực hiện các văn bản này đã góp phần hoàn thiện thể chế, siết chặt quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ; tăng cường quản lý đảng viên; đẩy mạnh kiểm tra giám sát và kỷ luật Đảng; giúp cộng hưởng và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 hiệu quả hơn.

Trải qua 5 năm, Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như các chỉ thị, hướng dẫn một cách tích cực và triệt để, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, có thể thấy rõ những kết quả đặc biệt quan trọng sau: 

leftcenterrightdel
  Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có tiến bộ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác1

Chúng ta đã đi giải quyết căn nguyên những khuyết điểm trong cán bộ, đảng viên, đó là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”. Nếu nói bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cái “gốc” của vấn đề, đảng viên suy thoái bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng chính trị; thì kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng vừa kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm từ xa, từ sớm, vừa giải quyết phần “ngọn” – kỷ luật nếu sai phạm. Cũng từ đây, chưa bao giờ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng và kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng lại tiến hành mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực như trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, để lại nhiều dấu ấn cực kỳ ấn tượng.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đẩy mạnh trong toàn nhiệm kỳ, đặc biệt sau sự ra đời của Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, kỹ thuật công nghệ; đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; phê phán những suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc; chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Hầu hết các cơ quan báo chí lớn, trang thông tin điện tử các tỉnh, thành ủy đều có chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với hàng chục nghìn bài viết nhận diện và đấu tranh mạnh mẽ, trực diện với các các quan điểm sai trái, thù địch, nhận diện các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phải khẳng định chưa từng có một nhiệm kỳ đại hội nào, số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật lại lớn như nhiệm kỳ qua. Từ sự đột phá nhận diện đúng, trúng các biểu hiện suy thoái như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu, cùng với sự quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, nhiệm kỳ qua cấp ủy các cấp đã kiểm tra gần 265.000 tổ chức đảng và trên 1.124.000 đảng viên; kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên; kỷ luật 17.610 đảng viên. Tổng cộng, đã có hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng. Đặc biệt, trong đó có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự). Những sai phạm bị phát hiện, phanh phui có thể từ nhiệm kỳ trước, có thể là vừa diễn ra, đã thể hiện hành động nhất quán và mạnh tay, sự nỗ lực và quyết tâm trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.

leftcenterrightdel
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ghi nhận hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ. 

Đây là “điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng” – như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, “Chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở kỷ luật, thi hành án, không thể “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, những cán bộ, đảng viên sai phạm còn bị tịch thu nếu tài sản liên quan đến tham ô, sai phạm, phải đền bù thất thoát, lãng phí và những hậu quả mà mình đã gây ra; những “con ông cháu cha” phải “trả lại ghế” nếu thao túng trong công tác cán bộ, bổ nhiệm khi không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Sẽ không còn tư tưởng “hạ cánh an toàn”

Sự nghiêm khắc, nghiêm minh của Đảng khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như sự quyết liệt, đồng bộ trong các chủ trương thể hiện rất rõ quyết tâm và bản lĩnh của Đảng ta khi quyết loại bỏ những “ung nhọt” để cứu cả một “cơ thể sống”. Chính cách làm nghiêm minh này đã tạo ra một hướng đi mới “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào" trong phòng chống tham nhũng và loại bỏ được “tư duy nhiệm kỳ” của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ai cũng hiểu rằng, trong xử lý cán bộ vi phạm, Đảng ta nhất quán và quyết liệt thực hiện phương châm này; đảng viên chức vụ càng cao, càng giữ nhiều trọng trách thì càng bị xử lý nghiêm để nêu gương.

Tiếp nối những quyết tâm của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “Đổi mới và triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm trong cán bộ, đảng viên”2. “Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”3.

leftcenterrightdel
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 7 nhiệm kỳ XIII quyết định thi hành kỷ luật nhiều tướng lĩnh quân đội, đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật nhiều tập thể và cá nhân khác.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Đặc biệt tại Kỳ họp thứ bảy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua, có rất nhiều tướng lĩnh quân đội bị kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật càng khẳng định quyết tâm chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Đây là tiền lệ để mỗi cán bộ, đảng viên khi được giao trọng trách phải nhỡ rõ một điều, nếu mắc sai phạm, sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và không thể “hạ cánh an toàn”. Sẽ không thể có “bến đỗ an toàn” dù đã chuyển công tác hay nghỉ hưu.

Tại lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”. Đồng thời “bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng”.

Hội nghị Trung ương 4 đã thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, "Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận".

Đây là thông điệp thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cũng như của toàn Đảng ta để bảo vệ thành quả mà Đảng, đất nước ta đã đạt được. Thông điệp này càng củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên con đường mà Đảng đã chọn. Con số 93% người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong một cuộc khảo sát của Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 8/2020 càng khẳng định sự đúng hướng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta./.

-----------*----------

Chú thích

1. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng  Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, trang 233.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, trang 244.

4. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

 

Bài 1: Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục

Bài 2: “Đột phá” trong công tác xây dựng Đảng

Bài 4: Khắc phục bất cập về Quy định những điều đảng viên không được làm

(ĐCSVN) - Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội đó là thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Việc sửa đổi, bổ sung này được kỳ vọng khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Bài 5: Điểm mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

(Đón đọc...)

Nguyễn Minh, Hiền Hòa, Thương Huyền, Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực