Bình Dương: Lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác Tuyên giáo

Bài 3: Cần xây dựng tiêu chí cho từng mô hình
Thứ tư, 15/11/2023 11:30
(ĐCSVN) - Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả đã triển khai đồng thời chủ động xây dựng thêm các mô hình, cách làm trên các lĩnh vực uyên giáo nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bình Dương: Lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác Tuyên giáo

Bình Dương: Lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên giáo

Còn lúng túng trong việc xác định, phân biệt giữa “cách làm” hay “mô hình”

 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết các mô hình công tác Tuyên giáo nửa nhiệm kỳ, qua đó nhân rộng những mô hình tiêu biểu trên địa bàn.

Trong thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Dương đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo. Nổi bật là các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai hàng chục mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Trong số hơn 70 mô hình hay, cách làm hiệu quả của công tác Tuyên giáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương nửa nhiệm kỳ qua vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương báo cáo, Tỉnh Đoàn Bình Dương là một trong những đơn vị có nhiều mô hình khá nổi bật. Tỉnh Đoàn đã có nhiều chương trình rất thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời các xu hướng hiện nay đặc biệt là về công nghệ số để vận dụng vào các hoạt động của mình. Trong đó, có thể kể tới như việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên qua các đợt sinh hoạt chính trị trực tuyến toàn; Mô hình hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu di  tích lịch sử, địa chỉ đỏ qua mã QR…

Đối với mô hình hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu di  tích lịch sử, địa chỉ đỏ qua mã QR, có thể thấy, đây là mô hình gắn với chủ đề công tác năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng kế hoạch, trong đó chỉ đạo 100% các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc phối hợp xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ đặt trước các địa danh, di tích lịch sử. Các công trình nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

 Ban Thường vụ Phường đoàn Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) sáng tạo với công trình “Chuyển đổi số trong quảng bá tuyến đường mang tên nhân vật lịch sử”.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương Nguyễn Thanh Thảo, nhờ linh động trong các phương thức tổ chức, việc thực hiện giáo dục truyền thống thông qua nền tảng số đã tiếp cận nhiều hơn sự tham gia, tìm hiểu của đoàn viên thanh thiếu nhi. Các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, về nguồn được nâng chất, tổ chức bài bản, có chiều sâu, tạo được ấn tượng tốt đối với đoàn viên thanh thiếu nhi. Điều này góp phần hun đúc, vun đắp tình cảm, lòng yêu quê hương đất nước, biết ơn các anh hùng liệt sĩ của các bạn trẻ, khuyến khích tuổi trẻ tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện hoàn thiện và phát triển bản thân.

Mặc dù Tỉnh Đoàn Bình Dương đã triển khai các mô hình, các cách làm khá hiệu quả, song đồng chí Nguyễn Thanh Thảo cũng thẳng thắn cho rằng, trên thực tế vẫn còn có cơ sở đoàn chưa sáng tạo trong các hoạt động. Việc đa dạng hóa và vận dụng công nghệ số vào tổ chức các hành trình về nguồn, các hoạt động cũng còn thiếu tính sáng tạo, theo mô tuýp cũ nên có lúc có nơi chưa thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia.

Đánh giá chung về tình hình triển khai các mô hình hay, các làm hiệu quả trong công tác Tuyên giáo trên địa bàn trong thời gian qua, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cũng cho rằng, đa số các địa phương, đơn vị trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở cách làm, chưa phát triển thành mô hình cụ thể trên từng lĩnh vực của công tác Tuyên giáo. Việc xác định tiêu chí, tên mô hình chưa cụ thể, chưa gắn với từng lĩnh vực và yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, một số mô hình còn mang tính dàn trải, chung chung, trùng lắp. Tại các đơn vị, công tác sơ, tổng kết các mô hình chưa thường xuyên dẫn đến hiệu quả và tính lan tỏa các mô hình chưa cao. Cũng từ thực tế này mà chưa có nhiều mô hình đặc sắc, tiêu biểu được chọn để có thể nhân rộng ra toàn địa bàn.

“Các địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc xác định, phân biệt giữa “cách làm” hay “mô hình”. Do đó chưa phát huy hết hiệu quả của các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên lĩnh vực Tuyên giáo”, đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.

Xây dựng tiêu chí từng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo huyện Bắc Tân Uyên Lưu Hữu Duyên cho rằng, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ở một số tổ chức đảng, cơ quan chưa được quan tâm đúng mức; còn lúng túng về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với mô hình. Đồng thời, một vài thành viên là tuyên truyền viên còn hạn chế nhất định về kỹ năng. Do đó, trong thời gian tới, cần phải nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng trong Nhân dân. Mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tùy theo đặc điểm tình hình và nhiệm vụ để lựa chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả mang tính khả thi cao.

 “Số hoá địa chỉ đỏ” trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại địa điểm di tich lịch sử văn hoá Đình thần Dĩ An.

Song song đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trên toàn địa bàn.

Từ thực tiễn trong việc phối hợp giữa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương trong thời gian qua nhằm thực hiện công tác giáo dục lịch sử truyền thống địa phương ngoài nhà trường giai đoạn 2019-2023, đồng chí Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho rằng, trong công tác tuyên truyền cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, có thể cùng nhau xây dựng những mô hình chung, những cách làm hay, thiết thực, sáng tạo để việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục được toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Đồng chí cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp thực hiện nhiều hoạt động trong đó có số hóa các tư liệu, hiện vật, thông tin về các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích lịch sử-văn hóa của địa phương; Tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử-văn hóa… Về nội dung cụ thể, sẽ giao cho mỗi đơn vị tổ chức đoàn thanh niên, đơn vị trường học phối hợp phụ trách 1 di tích nhất định trên địa bàn để tuyên truyền phát huy giá trị, chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn. Đồng thời giao mỗi đơn vị trực thuộc tổ chức đoàn, mỗi khối lớp học phụ trách một hoặc một số hạng mục công trình trong di tích để thường xuyên vệ sinh, chăm sóc đảm bảo xanh-sạch-đẹp-văn minh-an toàn….

Chia sẻ về một số định hướng trong xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả ngành Tuyên giáo Bình Dương trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho biết, ngành Tuyên giáo Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả đã triển khai trong thời gian qua; đồng thời rà soát, lựa chọn tên gọi, xây dựng tiêu chí từng mô hình trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn công tác Tuyên giáo trong tình hình mới, chủ động xây dựng các mô hình, cách làm trên các lĩnh vực Tuyên giáo nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo trong thời gian tới. Đặc biệt, cần tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực Tuyên giáo để xây dựng cho mình mô hình thiết thực, phù hợp./..

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực