Ngành Tuyên giáo Bà Rịa - Vũng Tàu: 75 năm hình thành và phát triển

Thứ ba, 06/06/2023 16:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong 75 năm hình thành và phát triển, ngành Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn bám sát đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; có những đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương, đất nước và giữ gìn, phát huy truyền thống, thành quả cách mạng của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong hòa bình, độc lập, thống nhất.
 Anh chị em Tuyên huấn trong những năm đầu kháng chiến. (Ảnh tư liệu)

Ngày 06/6/1948 ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh dấu bằng sự kiện Xứ ủy Nam bộ ban hành Nghị định số 145/NĐNB quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa. Trong 75 năm hình thành và phát triển, Tuyên giáo Bà Rịa - Vũng Tàu luôn bám sát đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, có những đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương, đất nước và giữ gìn, phát huy truyền thống, thành quả cách mạng của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong hòa bình, độc lập, thống nhất.

Hòa trong dòng chảy của cách mạng Việt Nam, lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 1930 đến nay, trải qua nhiều giai đoạn với những bước phát triển về tổ chức, hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tư tưởng phù hợp tình hình thực tế.

Thời điểm trước năm 1948, dù chưa thành lập Ban Tuyên huấn nhưng công tác tư tưởng luôn được chú trọng. Với sự kiện ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện trên vũ đài chính trị đã chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam bế tắc về đường lối trong hơn hai phần ba thế kỷ (kể từ khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ). Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng ra đời. Cũng nhờ đó, phong trào cách mạng của nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển sang giai đoạn lịch sử mới, gắn với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tháng 02/1934, chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời tại Đất Đỏ, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong lịch sử công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chi bộ đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, từng bước giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, mở rộng tổ chức Đảng và phát triển tổ chức quần chúng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tháng 4/1947, Tỉnh ủy Bà Rịa lâm thời được thành lập, dù các Ban của Đảng chưa hình thành, nhưng với sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh, tất cả cán bộ, đảng viên đều làm công tác tư tưởng.

Từ năm 1948, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa chính thức hình thành, trở thành cơ quan tham mưu và tác chiến, thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng - văn hóa trong toàn Đảng bộ (lúc này, tổ chức bộ máy chưa đến 10 người, bao gồm các bộ phận: Thông tin tuyên truyền, báo chí, văn công văn nghệ, văn phòng, nhà in và hậu cần). Mỗi giai đoạn lịch sử, công tác tư tưởng của Đảng bộ đều bám sát nhiệm vụ chính trị chủ yếu, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần đắc lực vào việc phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà lịch sử đã giao phó. Nhiều thời điểm, cơ quan phải di dời liên tục, thiếu lương thực, cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn phải ăn củ mài, măng le, lá rừng, củ nầng thay cơm. Trong vùng căn cứ, nhiều người hi sinh, thương vong vì bom, pháo, bệnh tật, nhưng đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn luôn sẵn sàng đảm đương các chức trách, nhiệm vụ khi Đảng cần, không quản ngại gian khổ, hy sinh.

Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức bộ máy và hoạt động tuyên huấn phát triển theo sự lớn mạnh của cách mạng. Công tác tuyên huấn chú trọng khâu huấn luyện, đào tạo cán bộ với nhiều lớp được mở từ tỉnh đến huyện; đào tạo cả cán bộ mặt trận, quân đội và chính quyền. Hoạt động tuyên truyền những tấm gương chiến đấu kiên cường; tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, phát động mạnh mẽ các phong trào chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, huy động sức người cho cuộc kháng chiến được đẩy mạnh.

 Panô, áp phích kêu gọi đồng bào vùng lên giành chính quyền làm chủ tại Phước Hải năm 1972. (Ảnh tư liệu)

21 năm (1954 - 1975) kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong từng giai đoạn của cách mạng, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu nhiều lần tách nhập theo yêu cầu của thực tiễn nhưng công tác tuyên huấn luôn thực hiện tốt việc tham mưu và tuyên truyền, vận động cán bộ, quân và dân trong tỉnh. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, không chỉ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mà mỗi cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn còn là một chiến sỹ trên chiến trường, đánh địch, chống càn, tham gia chiến dịch, tuyên truyền xung kích, đi cơ sở, vận động quần chúng, cáng thương, tải đạn. Bất kỳ sự kiện, chiến dịch nào, lực lượng cán bộ Tuyên huấn đều tham gia góp sức, không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn vững vàng trước thử thách, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh quyết chiến và chiến thắng kẻ thù, góp phần cùng các lực lượng trong tỉnh giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước ra từ chiến tranh, với kinh nghiệm và nhiệt huyết cách mạng, cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ sau năm 1975 đến năm 1991, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (kể từ năm 1976 được đổi thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) với chức năng tham mưu cho cấp ủy trên các lĩnh vực: Tuyên truyền, Huấn học, Khoa Giáo, Báo chí - Xuất bản, Văn hoá - Văn nghệ, Giáo dục lý luận chính trị, thực hiện tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tạo sự thống nhất cao từ trong Đảng bộ và nhân dân; đồng thời cảnh giác và đập tan những tư tưởng phản động, những luận điệu chiến tranh tâm lý xuyên tạc của các phần tử xấu; vận động nhân dân lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; kiên định sự nghiệp đổi mới đất nước.

 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tham mưu sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” . (Ảnh tư liệu)

Năm 1991, trước đòi hỏi thực tiễn của đất nước nhằm tạo không gian địa kinh tế - chính trị đủ rộng, lớn mạnh, dồi dào tiềm năng để mở đường cho việc phát triển ngành công nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, từng bước hình thành khu kinh tế động lực của khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam gắn với củng cố thế trận quốc phòng an ninh trên biển, ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 25/9/1991, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-TW của Ban Chấp hành Trung ương. Với tầm quan trọng của công tác tư tưởng, ngày 22/10/1991, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 10/QĐ-TV về việc thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất nhiệm kỳ 1992 - 1995 đã đề ra nhiệm vụ “đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng”, trong đó, tập trung đổi mới trên cả hai mặt nội dung và phương pháp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về “Công tác tư tưởng - văn hóa” giai đoạn 1997 - 2000 (Nghị quyết số 13-NQ/TU). Từ đó đến nay, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trải qua 07 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển ngày càng nhanh và vững chắc, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tuyên giáo.

Công tác tuyên giáo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng; chủ động tham mưu cho cấp ủy trong việc triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng các cuộc giao ban báo chí, thường xuyên tổ chức họp báo, kịp thời cung cấp thông tin chính thống và định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề phát sinh trên địa bàn; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động khoa giáo, văn hóa - văn nghệ sâu sát, hiệu quả, kịp thời định hướng chính trị các ngành trong khối khoa giáo phối hợp triển khai thực hiện, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị; tích cực đổi mới phương thức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, của dân tộc; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng... nhằm tăng tính thuyết phục, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 75 năm vẻ vang từ bức tranh tổng thể lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh, có thể thấy rằng, ngay từ khi mới thành lập, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) luôn quan tâm chỉ đạo công tác chính trị tư tưởng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ đã đặt công tác chính trị tư tưởng lên hàng đầu, ngành Tuyên huấn tỉnh (từ năm 1976 là Tuyên giáo) được xây dựng ngày càng vững mạnh. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Ban Tuyên giáo được từng bước kiện toàn; chương trình, nội dung, phương thức công tác tư tưởng luôn được cải tiến, đổi mới, sinh động… Cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn (Tuyên giáo) là lực lượng xung kích làm nhiệm vụ giáo dục, động viên, cổ vũ nhân dân trong tỉnh vượt qua gian khổ, hy sinh, thách thức, phấn đấu góp phần cùng đất nước đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đến toàn thắng; đưa sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giành nhiều thắng lợi to lớn.

Tự hào, tin tưởng với truyền thống, kinh nghiệm phong phú và những kết quả đạt được trong chặng đường lịch sử 75 năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của Ban và toàn ngành Tuyên giáo tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực công tác và chất lượng tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng hùng cường, bền vững./.

Nguyễn Văn Xinh
(Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực