|
Kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tầm nhìn chiến lược của Trung ương về một ngành công nghiệp mới - công nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã từng bước hình thành khu kinh tế động lực của khu vực Đông Nam bộ và của các tỉnh phía Nam. Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII vào ngày 12/8/1991 đã thông qua Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên cơ sở đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về quá trình đổi mới luôn gắn với quá trình phát triển của địa phương qua từng giai đoạn.
Thời điểm mới thành lập, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trước vô vàn khó khăn. Công nghiệp địa phương manh mún, chỉ có một vài nhà máy nước đá, cơ sở chế biến hải sản, đóng sửa tàu thuyền nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, xuống cấp trầm trọng. Ngành hải sản và du lịch cũng không phát triển. Đa số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng chỉ sau vài thập niên, với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng cùng với tiềm năng lợi thế của địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên; nhiều chỉ số về phúc lợi xã hội nổi trội so với mặt bằng chung của cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu thành viên quan trọng và tích cực của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam
Đảng bộ, chính quyền, quân, dân và cộng đồng doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những nỗ lực không ngừng, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào việc xây dựng và phát triển tỉnh, đề ra những chủ trương, định hướng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tiềm năng, lợi thế so sánh, tập trung mọi nguồn lực đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế gắn với đầu tư, phát triển văn hóa – xã hội, đảm bảm quốc phòng, an ninh... tạo nên bước phát triển với những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, GRDP bình quân đầu người năm 2023 không tính dầu khí là 8.078 USD, cao gấp gần 2 lần mức bình quân chung cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển mạnh mẽ. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ không ngừng được nâng cao.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập tỉnh với cơ cấu kinh tế “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp” dựa trên tiềm năng to lớn là dầu khí; thế mạnh du lịch với những bãi tắm thiên nhiên và khí hậu biển mát mẻ; nghề khai thác hải sản truyền thống; quỹ đất và lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào. Đây là chủ trương đúng đắn, không chỉ định hình rõ nét hướng phát triển kinh tế, mà còn là cơ sở để tỉnh tập trung vốn đầu tư phát triển đúng hướng, theo chiều sâu. Qua từng nhiệm kỳ, các thành phần trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp một cách hợp lý. Sự chuyển dịch này đáp ứng tiêu chí đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung; từng bước khai thác và phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời khẳng định đây chính là hướng phát triển tối ưu và vững chắc nhất của tỉnh. Trước yêu cầu nhanh chóng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp dầu khí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống cho nhân dân, coi đất là một nguồn lực, sử dụng đất làm vật trao đổi để lấy hạ tầng là tư duy mới, chưa có tiền lệ. Nhờ đó, đã tháo gỡ một lực cản lớn. Chủ trương “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” đã biến đất đai trở thành một nguồn lực, trực tiếp và kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển.
Với việc đầu tư song song hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và hạ tầng văn hoá - xã hội, chỉ sau gần 2 nhiệm kỳ (1993-2000), tỉnh không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, là tiền đề thu hút dòng vốn đầu tư cho giai đoạn sau, mà đã tạo được dáng dấp của một đô thị hiện đại, trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông phát triển nhanh, đồng bộ. Nguồn lực quỹ đất, đã tạo ra và nhân lên những “nguồn lực” mới, những “giá trị” mới, góp phần khẳng định tầm vóc của một tư duy sáng tạo, đổi mới. Thành công và kinh nghiệm thực hiện chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” của Bà Rịa - Vũng Tàu, đã được rút kinh nghiệm và áp dụng trên phạm vi cả nước.
Hình thành các khu công nghiệp tập trung là sự tính toán cẩn trọng nhằm hiện thực hoá chủ trương phát triển khu công nghiệp (KCN) đi đôi với thu hút đầu tư nước ngoài, coi đây là giải pháp cơ bản, là chìa khóa để giải bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Với 2 KCN thành lập năm 1996, đến cuối năm 2023, tỉnh có 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.092,66 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 64,31%, thu hút chủ yếu các ngành công nghiệp nặng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên một diện mạo mới cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong hiện tại và tương lai. Không chỉ là tiền đề, là nhân tố thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các KCN của tỉnh còn tạo nên một dấu ấn sâu đậm, một bước đột phá trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh, đóng góp có hiệu quả vào vai trò là động lực tăng trưởng, là mũi nhọn đột phá để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, trở thành tỉnh công nghiệp mạnh về cảng biển. Với lợi thế vượt trội để phát triển cảng sông, cảng biển và dịch vụ hậu cần sau cảng, mục tiêu đặt ra là xây dựng phát triển tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển; dịch vụ cảng biển đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế, là động lực cho sự tăng trưởng và dần thay thế vai trò của ngành dầu khí đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong tương lai. Tỉnh đã có những đầu tư cho việc phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển nước sâu đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48/59 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm; trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm.
Hệ thống cảng biển ra đời, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành dịch vụ cảng, nhiều dự án sản xuất công nghiệp, đã tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá trên địa bàn, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch trong tương lai.
|
Tỉnh BRVT đã có những đầu tư cho việc phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển nước sâu đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DW. |
Qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Bà Rịa - Vũng Tàu với tiềm năng cảng biển và quy mô kinh tế lớn, đã khẳng định vai trò là thành viên quan trọng và tích cực của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. GRDP của Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì sự tăng trưởng khá, nhiều năm tăng trưởng trên 2 con số.
Những năm gần đây, tỉnh luôn nằm trong nhóm địa phương thu ngân sách đứng thứ 4 cả nước. Tỉnh luôn xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước phải được ưu tiên hàng đầu, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Từ nhận thức đó, tỉnh hình thành khu công nghiệp tập trung và tận dụng lợi thế cảng biển phục vụ vận chuyển hàng hoá trong các khu công nghiệp. Chính việc hình thành khu công nghiệp tập trung, với định hướng cụ thể về các ngành công nghiệp nặng và phát triển hệ thống cảng biển đã trở thành yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên nền tảng đó, Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn, trong đó đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 46,9%/tổng các nguồn vốn đầu tư. Hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tự cân đối ngân sách địa phương, mà còn đóng góp tích lũy cho ngân sách Trung ương.
Từ những thành quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu có điều kiện quan tâm, đặt mục tiêu cao nhất là phát triển vì con người và lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Chính vì thế, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, thực hiện miễn học phí cho học sinh các cấp đã được thực hiện; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9,5 bác sĩ; giường bệnh/vạn dân đạt 20,4 giường; công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh là 90%, tuyến huyện là 20%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,7%; toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.
Để có được những kết quả to lơn và ý nghĩa đó, có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải kể đến đó là Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trực thuộc luôn chú trọng triển khai và cụ thể hóa đầy đủ các kết luận, quy chế, quy định của Trung ương; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ theo thẩm quyền. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn 2025-2030”; phê duyệt Đề án “Xây dựng và tăng cường đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” của huyện Côn Đảo, Xuyên Mộc; theo dõi việc thực hiện Đề án “Phát triển nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý” của Thành ủy Bà Rịa. Qua đó, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh, nhất là người đứng đầu có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có khát vọng phát triển, có tầm nhìn chiến lược; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Một số hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng bộ tỉnh đánh giá vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã có dấu hiệu chậm lại. Vẫn còn tình trạng xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trên cùng một địa bàn chưa được giải quyết triệt để. Sự phát triển một số ngành còn trên cơ sở mở rộng quy mô, chưa dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng. Tỉnh vẫn thiếu các cơ sở y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hoá thể thao chất lượng cao. Việc tích hợp, lồng ghép các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thực hiện đầy đủ. Cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học của tỉnh vẫn còn yếu và thiếu. Hạ tầng xử lý chất thải rắn, nước thải tại các đô thị, các khu dân cư hiện vẫn chưa bảo đảm. Quy hoạch phát triển đô thị còn chia cắt theo địa giới hành chính, nên thiếu tính kết nối giữa các đô thị, các khu vực phát triển.
|
Từ sự quyết liệt, các dự án trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã và đang được thực hiện đạt và vượt tiến độ. |
Nguyên nhân của những hạn chế: Đầu tư hạ tầng trong thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức làm cho việc lưu thông hàng hóa sản xuất trong vùng Đông Nam Bộ chưa được thuận lợi. Các thủ tục, chính sách về đất đai, đầu tư, chuyển đổi đất rừng và quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, chưa khuyến khích thu hút và triển khai các dự án đầu tư. Khả năng dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhất là vai trò của đứng đầu còn hạn chế dẫn đến định hướng phát triển kinh tế của tỉnh chưa sát với tình hình biến động nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án chiến lược có tính lan tỏa cao. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số sở, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự kiên quyết, chủ động, bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, Tỉnh ủy đã đề ra.
Thực tiễn chặng đường gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm quý báu:
Một là, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; luôn đổi mới và cập nhật tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, phù hợp thực tiễn, khả thi, có tính đột phá, chiến lược, lâu dài.
Hai là, phát huy vai trò của người đứng đầu, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, triển khai có chất lượng các chỉ thị, nghị quyết, gắn với sơ, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo, phát hiện sớm những vấn đề mới, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
Ba là, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt là các giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân; phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, phát huy vai trò người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc.
Nhiệm vụ cơ bản và giải pháp cho thời gian tới
Trong thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 154/NQ-CP, ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển có tầm cỡ khu vực và thế giới.
Tập trung nguồn lực thực hiện đúng tiến độ các dự án: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, cầu Phước An; đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường ĐT991B, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường ĐT991 (Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình), ĐT992 (đường Hội Bài - Đá Bạc), đường Long Sơn - Cái Mép, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994). Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển tỉnh theo hướng xanh, thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/12/2021 về “nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chỉ đạo tại Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030”. Tiếp tục chú trọng làm tốt công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; quan tâm công tác tạo nguồn gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ. Triển khai hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 30/9/2022 về “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn 2025-2030” và Đề án “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu đối với hệ thống chính trị trước yêu cầu mới, trong thời gian tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, làm tốt công tác giáo dục về tư tưởng chính trị, ý thức tự rèn luyện của mỗi đảng viên thông qua việc triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện khách quan, công tâm, lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định, nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ. Kịp thời xử lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ, công chức ở các khâu, lĩnh vực trì trệ, yếu kém, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
Ba là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện tốt phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, “tiếp cận nhanh, kết thúc sớm, kết luận rõ ràng”. Kết hợp kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu cho cấp ủy các cấp, nhất là cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Chú trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực bằng việc công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương.
----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1- Văn kiện Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng;
2- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (từ Đại hội I đến Đại hội VII)
3- Các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI, VII
4- Báo cáo giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
5- Báo cáo năm 2023 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu
6- Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
7- Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
8- Nghị quyết 154/NQ-CP, ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.