|
Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt |
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, địa phương xác định, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung, huy động nguồn lực và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2024 - 2025. Các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, kịp thời có giải pháp ứng phó. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, hạn mặn; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu ngành chức năng tỉnh nâng cao chất lượng công tác quan trắc; chủ động dự báo, cảnh báo về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn. Đặc biệt, dự báo sớm để kịp thời phục vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống và ứng phó hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình xâm nhập mặn, các giải pháp phòng, chống bằng nhiều hình thức, bảo đảm mọi thông tin lan tỏa rộng khắp, đến người dân kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ thực hiện; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tích cực bảo vệ nguồn nước.
|
Người dân nạo vét kênh nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất. |
Tỉnh tiếp tục phát động nhân dân thực hiện phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất; chủ động trang bị các dụng cụ chứa nước, trữ nước, dụng cụ đo mặn. Các mô hình hay, cách làm hiệu quả như đắp các đập tạm, xây dựng cống tạm, đào ao trải bạt, trữ nước trong mương vườn, túi chứa nước... đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua để phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.
Bến Tre đề nghị, ngành chuyên môn tỉnh xây dựng lịch thời vụ, khuyến cáo kịp thời các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến các địa phương, người dân để thực hiện; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng...
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về mặt công trình, rà soát, sẵn sàng phương án thực hiện các công trình tạm (đập tạm, cống tạm, bờ bao...) để phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt tại các địa phương, tạo nguồn cấp nước cho các nhà máy nước; khuyến khích thực hiện các công trình theo mô hình xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Ngành chức năng tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác tối đa hiệu quả của các công trình phục vụ phòng, chống, ứng phó hạn mặn đã được đầu tư xây dựng trong thời gian qua; chú trọng công tác nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng lịch vận hành các công trình cống, trạm bơm, đập tạm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả ưu tiên cho hoạt động tạo nguồn, cấp nước cho các nhà máy nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Tỉnh Bến Tre tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình còn lại của dự án JICA, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre,...; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình phòng, chống xâm nhập mặn, trữ ngọt, cấp nước đi vào vận hành.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2023-2024, công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung triển khai quyết liệt, chủ động ngay từ đầu với nhiều giải pháp khả thi, cùng với sự vận hành hiệu quả hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng, không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi.
Trong mùa khô 2023-2024, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, tương đương với mùa khô 2015-2016 và ít sâu hơn mùa khô 2019-2020. Dù vậy, xâm nhập mặn vẫn gây thiệt hại với giá trị trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại của mùa khô năm 2015-2016 (1.800 tỷ đồng) và 2019-2020 (2.800 tỷ đồng).
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đến các sông từ nửa cuối tháng 12/2024 và đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 2-3/2025. Mức độ xâm nhập mặn dự kiến sẽ sâu hơn mức trung bình nhiều năm, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô 2023-2024 và tương đương với mùa khô 2022-2023. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn có thể diễn biến phức tạp, dẫn đến thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.