Thực hiện hiệu quả cong tác bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai hiện nay

Thứ hai, 02/12/2024 16:24
(ĐCSVN) - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do đó công tác phòng, chống thiên tai phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Để từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, đảm bảo an toàn hoạt động phòng, chống thiên tai trong điều kiện thường xuyên xảy ra thời gian tới.

Hàng năm, Việt Nam có mùa mưa bão kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12, với những cơn bão hình thành từ Biển Đông di chuyển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhất là các tỉnh ven biển.

Pano cổ động phòng chống thiên tai (Ảnh chụp màn hình) 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, những năm gần đây, thiên tai diễn ra dồn dập, khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trước ảnh hưởng của bão, công tác phòng chống thiên tai những năm qua đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự phối kết hợp của các Bộ, ngành cùng sự chủ động sáng tạo, quyết liệt trong các cấp chính quyền địa phương và người dân qua đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động phòng, chống thiên tai. Hệ thống pháp luật về phòng, chống thiên tai ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Đáng chú ý, lần đầu tiên Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 26/2017/QĐ-TTg thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030…

Lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố kiện toàn, trong đó lực lượng xung kích trong phòng, chống thiên tai cấp xã đã tích cực kiện toàn và phát huy hiệu quả.

Công tác cảnh báo, thông báo trước, trong và sau lũ của các cơ quan chức năng đã phát huy hiệu quả hỗ trợ được hàng trăm nghìn người dân di chuyển đến nơi ở an toàn, hạn chế phần lớn thiệt hại do bão, lũ trực tiếp gây ra.

Công tác cứu hộ, cứu nạn giúp giảm được cơ bản thiệt hại về người, nhiều người dân đã được ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung đã góp phần hạn chế thiệt hại về người trong thiên tai.

Hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai từng bước được đầu tư xây dựng và đang phát huy hiệu quả như: Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; Các dự án cải tạo, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; Hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa, các công trình thủy lợi và đường cứu hộ, cứu nạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Thiệt hại về người vẫn còn lớn; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của bão lũ...; hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn hầu hết là kiêm nhiệm; nguồn lực để phòng, chống thiên tai còn hạn chế; hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai

Việt Nam liên tục phải chịu các thiệt hại về thiên tai (Ảnh: PV) 

 Trước xu thế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, thiên tai ngày càng cực đoan làm thiệt hại tới sản xuất - kinh doanh và tính mạng của người dân. Để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới hiệu quả hơn nữa với các biện pháp ứng phó nhanh và kịp thời.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai các nội dung trong quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi trên toàn quốc. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các vấn đề tồn tại đặc thù, lâu dài của từng vùng. Đồng thời rà soát các quy hoạch liên quan đến quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Ngoài ra, để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai thời gian tới công tác phòng chống thiên tai cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhất là xử lý các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hai là, nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại.

Ba là, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn với việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực và hiệu quả.

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Năm là, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai. Đầu tư củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập. Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều gây ra; hướng dẫn người dân xây dựng nhà ở, có chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai.

Sáu là, thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đó hình thành đội ngũ chuyên sâu để chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai./.

Hân Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực