Diễn biên thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp khó lường

Thứ ba, 03/12/2024 16:31
(ĐCSVN)- Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở Việt Nam, thiên tai cũng diễn ra nghiêm trọng, có các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo với những thiệt hại nặng nề chưa từng có.

Trong vòng 20 năm qua, trên các vùng, miền của nước ta phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, tính trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Tình hình thiên tai có những diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra nhiều hơn ở các vùng, miền trước đây ít xảy ra. Rủi ro thiên tai một số vùng tăng do phát triển kinh tế nhanh, quy mô lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững.

Một ngôi làng bị san bằng bởi sạt lở đất (Ảnh: PV) 

Gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung. Hạn hán và xâm nhập mặn những gần đây cũng diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ.

Những năm qua, Nhà nước ta đã kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ huy về phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho PCTT. Công tác chỉ đạo, tham mưu ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm thích đáng và ngày càng có chất lượng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế được tăng cường và tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT từng bước được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động PCTT.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng PCTT với một số tình huống thiên tai còn bất cập, lúng túng; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đạt yêu cầu. Nguồn lực cho PCTT còn hạn chế. Trình tự thủ tục trong một số hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, tiếp nhận viện trợ còn theo thủ tục thông thường nên không đáp ứng nhu cầu, gây kéo dài thời gian phục hồi, tái thiết. Ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích tính toán, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ như bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các khu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất. Sự tham gia phối hợp của một số cơ quan chuyên ngành, địa phương, thành viên ban chỉ đạo, thực thi, giám sát Luật PCTT còn nhiều hạn chế; nhiều công trình, dự án làm gia tăng rủi ro thiên tai do không lồng ghép hoặc chưa quan tâm đến nội dung PCTT…

Cứu hộ, cứu nạn dân ra khỏi vùng ngập lụt (Ảnh: PV) 

Bởi vậy, trong thời gian tới cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác PCTT đến các cấp, các ngành, các địa phương; quán triệt quan điểm xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”. Xác định rõ PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội; thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. PCTT thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Nội dung PCTT phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực PCTT theo hình thức đối tác côngtư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; đầu tư xây dựng công trình PCTT phải kết hợp đa mục tiêu. Đồng thời phải tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn cho công tác PCTT. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PCTT; hoàn thiện chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này, thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công- tư. Truyền thông về công tác PCTT phải được ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Về lâu dài, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; giảm thiểu thiệt hại về người và của, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi do lũ quét. Nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn vùng hạ du ở các lưu vực sông. Tăng cường năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trên biển, ven biển và trên đất liền. Hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển; giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao mức bảo đảm, khả năng chống chịu của hệ thống công trình PCTT ở các vùng miền, khu vực…

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực