Cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai của Việt Nam

Thứ tư, 13/03/2024 11:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải cho biết: Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ.

Theo báo cáo đánh giá giảm thiểu rủi ro toàn cầu, mặc dù thiên tai do thời tiết/khí hậu cực đoan gia tăng nhưng nhờ việc cung cấp thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ hơn, chính xác hơn đã giúp cho công tác tổ chức phòng tránh tốt hơn nên thiệt hại về tính mạng con người có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu. Nhiệm vụ đó cũng là sứ mệnh lịch sử và trọng trách của ngành khí tượng thuỷ văn trong từng mỗi quốc gia, nhất là đối với Việt Nam.

Trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong những nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm. Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới. Minh chứng là trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 1000 người, gây thiệt hại 23.000 tỷ đồng, tương đương 0.6% GDP cả nước (quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối năm 2023)

Đây là một trách nghiệm lớn cho ngành KTTV, phải kiểm soát được chặt chẽ mọi diễn biến đến từ thiên nhiên để có thể phát hiện ra những điểm bất thường nhằm thông báo đến người dân một cách kịp thời. Để làm được điều này thì công nghệ và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quản lý thiên tai vì chúng cung cấp cho các nhà quản lý, chính phủ và cộng đồng những công cụ, hệ thống và thông tin quan trọng để ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra.

Quản lý rủi ro thiên tai là quá trình mang tính hệ thống nhằm áp dụng các quy định hiện hành, huy động cơ quan, tổ chức, cá nhân và kỹ năng cần thiết để thực hiện các chiến lược, chính sách và nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu tác động bất lợi của hiểm họa và thiên tai. QLRRTT bao gồm một loạt các biện pháp can thiệp, được thực hiện trước, trong và sau thiên tai nhằm ngăn ngừa hoặc giảm đến mức tối thiểu các tổn thất về người, tài sản và thiệt hại đến môi trường tự nhiên đồng thời đẩy nhanh quá trình khôi phục tổn thất.

Các loại hình thiên tai ở các vùng miền 

Hiện nay, hệ thống quản lý rủi ro thiên tai của Việt Nam đã được nâng cấp và cải thiện rất nhiều so với ngày xưa với những công nghệ hiện đại như dự báo và cảnh báo sớm giúp tăng cường khả năng chuẩn bị và phản ứng kịp thời trước các tác động của thiên tai. Bên cạnh đó là công nghệ và dữ liệu quản lý rủi ro và phản ứng khẩn cấp cho phép tạo ra các hệ thống quản lý rủi ro thiên tai thông minh, giúp tối ưu hoá các kế hoạch phản ứng khẩn cấp. Ngoài ra, tăng cường sự tích hợp và tương tác giữa các bộ phận khác nhau trong hệ thống quản lý thiên tai, từ cấp độ cơ sở đến cấp độ quốc gia và quốc tế. Hơn thế nữa, hệ thống quản lý thiên tai cũng cung cấp thông tin quan trọng cho việc đưa ra các quyết định và lập kế hoạch chiến lược trong việc ứng phó với thiên tai. Các hệ thống thông tin quyết định và công cụ dự báo giúp nhà lập kế hoạch hiểu rõ hơn về tình hình và tác động của thiên tai, từ đó tối ưu hoá hơn nữa các biện pháp phòng ngừa và phục hồi sau thiên tai.

Chính vì thế, bài viết này nhằm đề xuất một số giải pháp cải thiện về mặt công nghệ nhằm phát hiện thiên tai sớm hơn như mạng cảm biến IoT (Internet of Things), hệ thống GIS (hệ thống Thông Tin Địa Lý): Các thiết bị cảm biến được triển khai trong các khu vực đe dọa bởi thiên tai để thu thập dữ liệu về nhiệt độ, áp suất không khí, độ ẩm, tốc độ gió, địa hình, dân số và các thông số khác,... Dữ liệu này được chuyển đến các hệ thống quản lý KTTVQG để phân tích và dự đoán nguy cơ thiên tai.

Ngày nay, AI đang là mô hình “xu hướng” của thế giới khi mọi thứ đang dần tích hợp với trí tuệ nhân tạo để tăng khả năng xử lí dữ liệu và dự đoán tình hình một cách nhanh chóng bằng các thuật toán học máy và phân tích dữ liệu lịch sử về thiên tai và dự đoán các mức độ nguy hiểm của thiên tai để kịp thời đưa ra các biện pháp khắc phục tình hình. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thiên tai quốc gia có thể học hỏi từ hệ thống quốc tế như sử dụng mạng lưới cảm biến không người lái (UAVs) để thăm dò và thu thập dữ liệu từ các vùng đất khó tiếp cận trước và sau thiên tai, từ đó có thể lấy những dữ liệu như hình ảnh, video và các thông tin khác giúp đánh giá thiệt hại và triển khai các phương án cho hoạt động cứu hộ. Đặc biệt, đây là một hệ thống không thể thiếu là hệ thống cảnh báo sớm, sử dụng dữ liệu thời tiết và địa lí chính xác để cung cấp cảnh báo và hướng dẫn sơ tán dân cư trươc khi thiên tai xảy ra, trong đó các công nghệ như cảnh báo sóng thần, động đất, lũ lụt,… đều trong hệ thống này. Những giải pháp trên chỉ có một mục đích chung nhằm dụng để cảnh báo và hướng dẫn sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, giúp giảm thiểu thiệt hại và mất mát người sống.

Hệ thống cảnh báo sớm và giám sát cháy rừng (Nguồn: Internet) 

Ngoài mục đích là hỗ trợ người dân sau thiên tai, hệ thống quản lý thiên tai cũng có thể hỗ trợ người dân trong các lĩnh vực khác như quản lý tài nguyên tự nhiên: đất, nước, rừng, và không khí (ví dụ: thông tin về mưa lớn có thể giúp dự đoán lũ lụt và quản lý hồ chứa nước, thông tin về các đợt nắng nóng đỉnh điểm có thể giúp dự đoán cháy rừng và có biện pháp khắc phục,…). Hơn nữa, có thể sử dụng để dự báo các điều kiện nông nghiệp, như mưa, hạn hán và nhiệt độ giúp cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất có thể sử dụng thông tin này để quản lý môi trường và tăng cường năng suất. Không những thế khi hệ thống quản lý thời tiết, thiên tai được tích hợp vào các dự án đô thị thông minh cũng có thể giúp cảnh báo về nguy cơ sạt lở đất, hoặc ô nhiễm môi trường,… trong các khu vực đô thị nhằm tăng cường sức chịu đựng của người dân.

Tiềm năng của công nghệ mang lại cho hệ thống quản lý rủi ro thiên tai là rất lớn khi ngành công nghiệp 4.0 đang ngày càng lớn mạnh và có thể giúp con người được bất kể mọi vấn đề trong cuộc sống.

Vậy nên cần phải ứng dụng và cải thiện công nghệ nhiều hơn nữa vào cuộc sống làm cho cuộc sống hiện đại hoá hơn nhất là trong ngành khí tượng thuỷ văn và môi trường khi mà tất cả mọi thứ không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà cần có những yếu tố khác tác động vào làm cho hoạt động phân tích và đánh giá hiệu quả và dễ dàng hơn. Chúng ta cần phải tăng cường ứng phó kịp thời và hiệu quả sau khi xảy ra thiên tai, từ việc dự báo thông tin chi tiết, hay tổ chức sơ tán dân cư đến việc triển khai các hoạt động cứu hộ hiệu quả,… tất cả phải theo một lộ trình logic phù hợp với khẩu hiệu “Ứng phó nhanh, hiệu quả cao, thiệt hại thấp”.

Tuy nhiên vấn đề nào cũng còn rất nhiều thách thức và hạn chế như sử dụng dữ liệu cá nhân và địa lý có thể đối mặt với các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đặc biệt là khi phải chia sẻ thông tin giữa các tổ chức và chính phủ. Hơn nữa, không thể đảm bảo chắc chắn rằng hệ thống dự báo thời tiết, thiên tai có thể dự báo đúng 100% với các sự kiện thiên tai, đặc biêt là khi đối mặt với các sự kiện thiên tai lớn và phức tạp. Đặc biệt là trong vấn đề cộng đồng khi một số người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, nhất là những nơi nông thôn hoặc kém phát triển, nên việc đào tạo và hướng dẫn người dân cách sử dụng công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan có thẩm quyển.

Tóm lại, công nghệ và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quản lý thiên tai bằng cách cung cấp thông tin quan trọng và hỗ trợ trong việc dự báo, ứng phó và phục hồi sau các sự kiện thiên tai. Các hệ thống cảm biến, IoT, mô hình dự báo, GIS và các công nghệ truyền thông giúp cung cấp thông tin nhanh chóng và chi tiết, tăng cường khả năng dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Phải cải thiện và hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai hơn nữa thì cuộc sống của người dân mới được trọn vẹn.

Nghĩa Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực