|
Ảnh chỉ có tính minh hoạ |
Hơn 1 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông phải "tá túc" ở nhà người thân, vì nhà bà đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Trước đó, vào cuối tháng 9, mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 đã làm nhiều khối đá lớn sạt lở, rơi từ trên cao xuống nhà bà. Bà Hòa cho biết, thời điểm bão số 4 ảnh hưởng đến huyện Con Cuông, quả đồi sau nhà bà đã có dấu hiệu sạt lở. Gia đình bà lập tức di dời đến nhà con trai. Chỉ một giờ đồng hồ sau đó đã có hàng chục khối đất đá đổ xuống, từ đó đến nay bà ở lại nhà con trai, không dám về nhà cũ.
Trước đó, tại khu vực khối 7, 8 của thị trấn Con Cuông cũng liên tục xảy ra tình trạng sạt lở, đá lăn từ trên cao xuống khu vực cư dân, khiến người dân bất an, lo lắng.
Cùng với đó, sạt lở cũng đang tiềm ẩn tại nhiều vị trí trên các tuyến đường quốc lộ ở khu vực vùng cao như: Quốc lộ 7; Quốc lộ 48D; Quốc lộ 7C, Quốc lộ l46 và nhiều tuyến tỉnh lộ khác. Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 7, mặc dù hàng năm ngành chức năng và chính quyền đã có các biện pháp xử lý, tuy nhiên do địa thế đất yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng người tham gia giao thông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Trần Anh Tuấn thông tin: Sau bão có nhiều điểm sạt lở, đặc biệt trên Quốc lộ 7 rất khó xử lý. Nhiều điểm sạt lở ở khu vực dân cư sinh sống nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Huyện xác định giải pháp an toàn và khả thi nhất là di dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ cao nhưng cái khó là địa phương chưa có điểm tái định cư. Hơn nữa, nguồn kinh phí xây dựng khu tái định cư cũng rất lớn, vượt quá khả năng của huyện, nên rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên.
Tại huyện Kỳ Sơn, qua khảo sát cho thấy, toàn huyện có khoảng 50 điểm sạt lở lớn, tập trung chủ yếu ở xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén, xã Mường Típ, Huồi Tụ… Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời, nhất là trong bối cảnh mưa lớn kéo dài.
Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, diện tích hơn 2.000km2 nhưng chỉ có 1% diện tích đất bằng phẳng có thể sinh sống và canh tác, còn lại là đồi núi, sông suối và hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Kỳ Sơn đã xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phù hợp với tình hình, chỉ đạo đơn vị chuyên môn tham mưu, lên kịch bản, rà soát các vùng có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tại các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, tình trạng sạt lở đất, đá cũng diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, tỉnh có hơn 300 điểm sạt lở núi nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến 4.000 hộ dân. Riêng bão số 3, 4 vừa qua đã gây sạt lở đất, làm 9 nhà ở bị hư hỏng hoàn toàn, 85 nhà thiệt hại nặng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An Trần Quốc Toản cho biết, với địa hình bị chia cắt mạnh bởi nhiều khe, suối, địa hình núi cao, các huyện vùng cao tại Nghệ An thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân. Khó khăn nhất hiện nay của tỉnh là tìm quỹ đất và kinh phí để xây dựng khu tái định cư nhằm di dân đến khu vực an toàn. Trước mắt, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chỉ có thể chủ động phòng tránh, thường xuyên kiểm tra, rà soát tại vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại. Về lâu dài, Nghệ An cần xây dựng các khu tái định cư cho người dân đang sống ở khu vực có nguy cơ cao xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở núi đến nơi ở mới.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du. Mục tiêu của đề án này là cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại tỉnh để phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét; tiếp nhận, duy trì ứng dụng các sản phẩm của đề án tại địa phương nhằm cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét.