|
Sông Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Văn Việt) |
Tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà), mực nước đang lên, ở mức 106,12m, cao hơn báo động 2 là 0,62m. Dự báo, mực nước tại trạm Phú Hiệp có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 106,2 - 106,4m trong ngày 3/8; thấp hơn 0,1 - 0,3m so với báo động 3.
Tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai), mực nước đỉnh triều cao đạt mức 1,79m, thấp hơn mức báo động 1 là 0,01m. Cảnh báo mực nước đỉnh triều cao tại trạm Biên Hòa có khả năng sẽ đạt xấp xỉ báo động 2.
Riêng mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) hiện ở mức 112,73m, hạ xuống dưới báo động 3 là 0,27m và dự báo sẽ tiếp tục xuống nhưng vẫn còn ở mức cao xấp xỉ báo động 3.
Cảnh báo vẫn có nguy cơ xảy ra ngập lụt và các thiên tai khác đi kèm tại những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đak Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán.
Các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và Nhơn Trạch; huyện Bắc Tân Uyên, thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập lụt do lũ, triều cường ở hạ lưu. Các huyện Tân Phú, Định Quán; vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp.
Theo UBND huyện Tân Phú, lượng mưa lớn kéo dài kết hợp lượng nước từ thượng nguồn các sông suối đổ về làm nước sông Đồng Nai và La Ngà dâng cao. Địa bàn huyện Tân Phú đã xảy ra tình trạng ngập, lụt ảnh hưởng đối với cây trồng, vật nuôi và các công trình của hộ dân trên địa bàn huyện. Theo đó, có 297 ha cây trồng bị ngập; thiệt hại 2.000 con gà 25 ngày tuổi ở xã Nam Cát Tiên, thiệt hại 180 tấn cá bè ở xã Phú Thịnh, 3 ha ao cá ở xã Nam Cát Tiên...
UBND xã đã bố trí lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Tuyến đường đê bao sông La Ngà do nước sông dâng cao đã làm sạt lở vào sâu thêm tuyến đê bao. Hiện nay, xã Phú Bình đã cử lực lượng tiến hành đắp bờ, gia cố tạm thời đoạn sạt lở trên.
UBND huyện Tân Phú đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân biết để chủ động ứng phó; bố trí lực lượng tập trung nhân lực hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Huyện tiếp tục theo dõi, cập nhập tình hình ngập úng trên địa bàn các xã để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp khắc phục.
Tại huyện Định Quán, lưu lượng nước đổ về các sông gây ra lũ trên sông Đồng Nai và sông La Ngà. Khu vực huyện Định Quán đã xảy ra ngập cục bộ tại một số khu vực trũng của các xã Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Hòa và Gia Canh đã gây thiệt hại về kinh tế với người dân, gồm có 11 căn nhà bị ngập, một nhà bị sập (nhà xây làm kho chứa), một nhà bị tốc mái, 1.845 tấn các bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên, 269 lồng, bè của 38 hộ nuôi cá bị thiệt hại, gần 200 ha đất trồng lúa và cây lâu năm bị ngập.
Sau khi có cảnh báo thiên tai xảy ra, UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo các ban ngành của huyện phối kết hợp cùng các ban ngành của xã và Ban Chỉ huy xã đã khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ngập, bị ảnh hưởng bởi lũ di dời người và tài sản đến những khu vực an toàn. UBND huyện yêu cầu các hộ nuôi cá lồng bè khẩn trương di chuyển các lồng bè nuôi cá neo đậu vào các vị trí an toàn. khi xảy ra lũ, huyện đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển lồng bè và tài sản lên những khu vực an toàn, hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất.
UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với các xã đã thăm hỏi, động viên kịp thời các hộ dân bị thiệt hại. Các thành viên Ban Chỉ huy phụ trách các xã theo dõi địa bàn, kịp thời cập nhật thông tin về tình hình lũ, lưu lượng xả lũ của đập thủy điện, kiểm tra mực nước sông Đồng Nai, để có cảnh báo đầy đủ, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai.