Chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 06/01/2022 21:41
(ĐCSVN) - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến nghị, để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, mùa khô 2021 - 2022, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.
Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tương tự như 2020 - 2021, mặn xâm nhập sớm, sâu và có thể diễn biến bất thường (Ảnh minh họa) 

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, mực nước bình quân có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm 20-50 cm.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Các vùng cặp Sông Tiền và Sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến tháng 2/2022. Tháng 2, tháng 3, mặn với nồng độ 4 g/l có thể xâm nhập sâu 50-65 km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Tháng 12 mặn có thể vào sâu 20-30 km vùng cửa sông; Tháng 1 mặn vào sâu 35-45 km; tháng 2-3, mặn có thể ở xâm nhập 50-65 km. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập các bản tin dự báo thường xuyên.

Cũng theo phân tích của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tiềm năng nguồn nước tự nhiên về đồng bằng mùa kiệt 2021-2022 xem như ở những năm kiệt nước. Tuy nhiên, do có điều tiết gia tăng từ các thuỷ điện trên lưu vực, vì vậy nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm 2021-2022 được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021, nguồn nước phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thuỷ điện thượng nguồn. Khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thuỷ điện. Vì vậy, song song với xây dựng kế hoạch xuống giống phù hợp với điều kiện của vùng, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn.

Vùng thượng ĐBSCL, khai thác thuận lợi năm lũ nhỏ, chủ động xuống giống vụ Đông Xuân ngay khi lũ rút hoặc kết thúc vụ Thu Đông. Đối với vùng cao, vùng có khả năng bảo vệ tốt thì lũ rút đến đâu xuống giống đến đó. Vùng thấp có thể chủ động bơm tát, rút ngắn thời gian giữa 2 vụ.

Vùng giữa ĐBSCL: Thời gian xuống giống vụ Đông Xuân nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo với vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Vùng ven biển ĐBSCL, mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú-Tiếp Nhật. Cần chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn nước trong thời gian hạn mặn.

Cập nhật dự báo dòng chảy về đồng bằng mùa kiệt năm 2021-2022 đến hiện nay cho thấy, tiềm năng nguồn nước có thuận lợi hơn do ảnh hưởng mưa cuối mùa. Tuy nhiên các thay đổi về xâm nhập mặn được xem là ít thay đổi so với các dự báo trước đó do ảnh hưởng của biến đổi lòng dẫn, vận hành tích nước bất thường, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 tương tự như 2020-2021, mặn xâm nhập sớm, sâu và có thể diễn biến bất thường.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến nghị, để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước./.

Mạnh Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực