Điều này cũng đồng nghĩa là “cuộc chiến” phòng chống thiên tai ở Việt Nam luôn luôn phải được để ở trạng thái sẵn sàng và xác định đây là “cuộc chiến” trường kỳ, lâu dài, đòi hỏi luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng mọi phương án phòng ngừa.
Thực tế cho thấy, thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.
Báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan đều nêu rõ, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Cụ thể, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2024 do Tổng cục Thống kê mới công bố ngày 6/9 đã chỉ ra, thiệt hại do thiên tai trong tháng 8 chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, ngập lụt. Tính chung 8 tháng năm nay, thiên tai làm 147 người chết và mất tích, 104 người bị thương; 32,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 259,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 30,8 nghìn ha hoa màu và 84,5 nghìn ha lúa bị ngập, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 3.374,6 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước, nhất là tại các tỉnh miền núi.Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, để có giải pháp hoàn chỉnh cả trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai khu vực này, cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cùng đó, nhanh chóng hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã.
Đồng thời phải triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai...
|
Khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai |
Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai…
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, tiếp tục thực hiện chủ tương, chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống thiên tai, góp phần từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với quan điểm chỉ đạo: Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, gồm ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thiết nghĩ, để thực hiện được các mục tiêu trong công tác phòng, chống thiên tai cả trước mắt và lâu dài các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nguồn lực thực hiện.
Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng, miền cần cụ thể hóa, tương ứng với các loại hình thiên tai điển hình bao gồm: Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải miền trung; vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên biển và hải đảo và các đô thị lớn.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; xây dựng khung giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hàng năm.
Bên cạnh đó, với yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao, trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, những thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật trước đây. Vì vậy, nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong đó lấy phòng là chính” luôn là định hướng để các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai./.