|
Triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau mưa, lũ trên địa bàn tỉnh (Ảnh: T.H) |
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác) để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, trong đó chú trọng việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai. Qua đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đối với các sở, ngành liên quan, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ gây ngập úng, sạt lở đất, dông, lốc xoáy; Chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, khắc phục hậu quả do thiên tai. Các sở, ngành liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ kết hợp với mưa lớn gây ngập úng; Kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai để trục lợi.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến, kho bãi bị hư hại do mưa lũ để bảo đảm không bị gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm; Thực hiện theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước... đối với các địa phương, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách miễn giảm phí, lệ phí khác cho các đối tượng bị thiệt hại.
Trước đó, từ ngày 21-22/10, trên địa bàn Long An đã xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng, kết hợp với lũ lên nhanh làm ngập tràn các tuyến bờ bao, gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Qua thống kê, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có gần 1.143 ha bị ảnh hưởng; trong đó, diện tích bị thiệt hại mất trắng gần 703 ha tại các huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa.
Ngoài ra, Long An còn có hơn 11.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập úng.