|
Mưa lớn gây ngập ở Huế ngày 25/11 (Ảnh: TT) |
Tính đến 11 giờ ngày 26/11, mưa lớn đã làm 2 người bị thương (Thừa Thiên - Huế); ngập một số tuyến đường tỉnh (Đường tỉnh 1, 2, 3, 5, 8A, 12B, 12D, 15B, 19) và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại thành phố Huế, các huyện Hương Thủy, Quảng Điền. Ngày 25/11, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cho học sinh nghỉ học; ở Quảng Ngãi, Quảng Nam đã có 338 con gia súc, gia cầm bị chết.
Cụ thể, ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm 14 điểm ngập nước với chiều dài ngập khoảng 600m tại khu vực: Cầu qua khu kinh tế Trung Hưng, cầu tràn tràn thôn 3 đi thôn 8 xã An Trung, cầu tràn thôn 7 xã An Vinh, cầu tràn nước Rấp thôn 3 xã An Vinh, cầu tràn nước Xê Ry thôn 2 xã An Toàn, cầu tràn thôn 5 đi thôn 6 xã An Quang, cầu tràn thôn 4 xã An Nghĩa, cầu tràn thôn 2 xã An Nghĩa (2 vị trí), 4 tuyến đường nối từ ĐT629 đến khu dân cư thôn Trà Cong, và tuyến đường ĐT629 (đoạn thôn Trà Cong).
Mưa lớn cũng làm 5 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất ở các xã An Quang, An Vinh và An Nghĩa. Hiện các hộ dân đã được lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã hỗ trợ khắc phục. Mưa lũ cũng làm sạt lở 7 điểm ở các tuyến đường giao thông ở xã An Quang, An Vinh, An Hưng với khoảng gần 1000m3 đất đá. Trong đó, tuyến đường thôn 4 đi La Vuông (xã An Hưng) bị sạt lở 1 điểm tại Suối Ngang, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 400m3, chiều dài sạt lở khoảng 20m. Tuyến đường thôn 5 đi thôn 6 (xã An Quang) bị sạt lở 1 điểm, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 200m3, chiều dài sạt lở khoảng 20m. Tuyến đường xã An Quang đi An Toàn, sạt lở tại suối Tình Cảm (vị trí đã sạt lở trong đợt mưa lũ trước), khối lượng đất sạt lở khoảng 100m3, chiều dài sạt lở khoảng 30m…
Ở tỉnh Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở đất đá từ ta luy dương làm sập một mảng tường lớn của điểm trường Răng Chuỗi, thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, sau đó tiếp tục tràn vào lớp học, gây hư hại nhiều đồ dùng học tập. Ngoài ra, có nhiều điểm sạt lở khác trên các tuyến giao thông như ĐH3, ĐH6, ĐH9, trong đó đường bê tông dẫn vào làng Ông Deo, thôn 2, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My bị đứt gãy hoàn toàn, hiện chưa thể khắc phục.
Mưa lớn trong những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vệ đoạn qua huyện Nghĩa Jành và sông Trà Câu đoạn qua thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã gây sạt lở chia cắt nhiều địa phương của hai huyện. Theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, nước lũ trên sông Trà Câu vượt báo động 3 khiến nhà ở của gần 90 hộ dân ở phường Phổ Minh bị ngập từ 40cm đến 1,5m. Do mưa kéo dài, nước lũ lên nhanh khiến nhiều hộ dân đã không kịp di dời tài sản, nhu yếu phẩm đến nơi an toàn. Từ trưa 24/11, lực lượng chức năng thị xã Đức Phổ đã sử dụng các phương tiện vận chuyển mì tôm, nước uống hỗ trợ người dân, tiếp tục di dời người cũng như đưa gia súc ra khỏi vùng lũ. Chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời 15 hộ dân với 30 khẩu ở tổ dân phố 1, phường Phổ Minh đến nơi an toàn.
Tại huyện Nghĩa Hành, nước sông Vệ dâng rất cao đã gây ngập chia cắt nhiều tuyến giao thông ở hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây. Nước lũ cũng gây ngập tỉnh lộ 624B đoạn qua xã Hành Thiện 0,7m, ta luy âm đoạn qua xã Hành Thịnh bị sạt lở và nguy cơ sạt lở sâu vào nền đường. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đã cử người phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương ứng trực không cho người, phương tiện qua lại khu vực nước sâu chia cắt, sạt lở.
Chính quyền các địa phương đã đến động viên, thăm hỏi các gia đình có người bị thương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, bị chia cắt đến nơi an toàn. Đồng thời cắm biển báo nguy hiểm và biển cấm xe tải trọng lớn; chỉ đạo đơn vị duy tu, bảo dưỡng xử lý tạm để đảm bảo xe tải nhỏ và xe ô tô con có thể lưu thông; đồng thời cử lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 26/11 đến đêm 27/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; riêng Thừa Thiên - Huế từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Từ đêm 26/11 đến đêm 27/11, các tỉnh Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Cảnh báo, ngày và đêm 28/11, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1; riêng Thừa Thiên - Huế cấp 2.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời khắc phục nhanh nhất hậu quả khi xảy ra thiên tai, sự cố.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tập trung huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị thiếu đói. Các bên liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ theo đúng quy định; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ...
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với mưa lũ.