Bão số 3 gây thiệt hại ước tính trên 81.503 tỷ đồng
Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão mạnh bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Theo đó, ảnh hưởng của bão kèm theo các loại hình thiên tai sau bão như lũ quét, sạt lở đất đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương. Về nhà ở, 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết.
Về cơ sở hạ tầng, đã xảy ra 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; 6.151.038 khách hàng bị mất điện, trong đó 432 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện,…Về y tế, giáo dục: 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại.
|
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lớn trong lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản |
Về giao thông, 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc (567 vị trí do sạt lở, hư hỏng công trình; 253 vị trí bị ngập do nước lũ dâng cao) và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá là 13.348.292 m3,…Về thuỷ lợi, 2.211 công trình thuỷ lợi, 1.306 công trình nước sạch bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.
Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói.
Bên cạnh đó, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn theo chế độ, chính sách hiện hành; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bố trí chỗ ở tạm cho hộ bị mất nhà ở. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí 432,980 tỷ đồng (bằng hiện vật tương đương 137,004 tỷ đồng; bằng tiền mặt 297,906 tỷ đồng) giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.
Đặc biệt, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở. Trong đó, chiều ngày 21/9 tỉnh Lào Cai đã bàn giao 25 căn nhà tạm cư mới cho các hộ dân bị mất nhà và khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và triển khai thực hiện 4 dự án bố trí dân cư tập trung cho 299 hộ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2024. Tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi, hư hỏng nặng, 50 triệu đồng/hộ có nhà hư hỏng nặng.
Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 25/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.764,0 tỷ đồng (đã phân bổ 1.035 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố); Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt,…
Những bài học kinh nghiệm lớn từ bão số 3
Mặc dù bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở,...do đó đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.
Từ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tương (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Đồng thời đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là yếu tố rất quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay, nếu không kịp thời có thể gây thiệt hại về người.
Lũ lớn, đặc biệt lớn làm nhiều tuyến đê bị tràn, sự cố. Tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý đê chuyên trách và sự chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án xử lý trọng điểm được xây dựng trước mùa mưa bão nên đã đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt bảo vệ khu vực đông dân cư, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, những cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực,… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, các Bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát./.