Nông nghiệp hữu cơ giải pháp “cứu cánh” môi trường

Thứ sáu, 05/07/2024 10:08
(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ là hướng đi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang lựa chọn và Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Với lợi thế là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có thể bứt phá phát triển mạnh nền nông nghiệp hữu cơ là giải pháp hữu hiệu để “cứu cánh” môi trường.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Mặc dù triển khai muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ vô cùng sôi động.

Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng. Các sản phẩm ngày càng đa dạng và quy mô sản xuất cũng tăng dần đã tạo ra khối lượng sản phẩm khá lớn góp mặt ở các siêu thị lớn trong nước và phục vụ xuất khẩu.Trong đó, chúng ta phải kể đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.. theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất chuyển đổi sang hướng nông nghiệp hữu cơ giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương mình.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ưu tiên triển khai các dự án khuyến nông Trung ương về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua các mô hình này sẽ giúp nông dân Việt Nam từng bước tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nhanh chóng chuyển đổi các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.

Từ khi đưa nông nghiệp hữu cơ về địa phương đây được coi là chính sách đúng đắn của Chính phủ, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Nhờ vậy, mà phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương đã xuất hiện các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ngày một nhân rộng tại các tỉnh thành trên cả nước.

 

 Lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Đó là mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của bà con nhân dân Chúc Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; hoặc mô hình trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Hà Nội cũng hướng đến các sản phẩm sạch. Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể đến mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững ở Cẩm Khê (Phú Thọ)… đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng bởi giá trị thực của các sản phẩm này.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch, an toàn tiêu biểu như: Mô hình sản phẩm gạo nếp tài; sản phẩm Bí thơm của HTX Yến Dương 2ha/70 tấn; sản phẩm Dong riềng THT Lùng Vai 5,01ha/250,5 tấn tại tỉnh Bắc Kạn; mô hình sản xuất lúa, sản xuất rau và chăn nuôi nuôi lợn theo hướng hữu cơ đệm lót sinh học do tập đoàn Quế Lâm được triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình sản xuất chè Shan Tuyết và nuôi cá lồng theo hướng hữu cơ tại Tuyên Quang; mô hình sản xuất lúa nếp Thầu Dầu, sản xuất chè theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất chè Hảo Đạt tại Thái Nguyên; mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn, đạt hiệu quả cao ở tỉnh Đồng Nai.

Mô hình nuôi tôm trên bể nổi di động tại Quảng Ninh; nuôi dê sinh sản hướng thịt cho người dân miền núi tỉnh Phú Thọ; mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm 7 và TBR 225 kháng bạc lá tại Hà Nam, mô hình nông nghiệp hữu cơ Biophap tại Kon Tum và Gia Lai...

Hay huyện Lương Sơn (Hòa Bình) hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 20,62 ha, trong đó, diện tích được cấp PGS (chứng nhận bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo đúng quy định của sản xuất hữu cơ Việt Nam) 17,85 ha; diện tích đang trong thời gian chuyển đổi 2,76 ha.

Ngoài ra, Bến Tre hiện được biết đến là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ, cùng với đó Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 ha cây ăn trái như nho, táo, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 ha.

Bà Vũ Thị Yên, một người dân trồng rau hữu cơ tại Tp Hà Nội cho biết: “Ngày nào cũng ra ruộng từ sáng sớm, có hôm 9 giờ tối mới ăn cơm vì sau khi thu hoạch rau về còn phải nhặt và đóng gói để kịp cho các thương lái đến lấy. Cũng có đợt thu hoạch phải thuê thêm nhân công để hỗ trợ công đoạn sơ chế. Khi mới có chủ trương đưa nông nghiệp hữu cơ về địa phương, bà con nông dân chúng tôi rất khấn khởi, thường xuyên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật để bổ sung kiến thức về trồng rau hữu cơ và phải ghi nhật ký cấy giống, chăm sóc, thu hoạch rau”.

Ông Nguyễn Phúc Long, hộ dân trồng rau hữu cơ ở Phú Thọ nói: “Ngay sau khi có chủ trương trồng rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, đây được coi là bước đệm vững chắc cho người dân chúng tôi chuyển đổi từ làm nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí, chăm sóc dễ hơn so với vô cơ”.

Việc đưa nông nghiệp hữu cơ về các địa phương là chất xúc tác hữu hiệu làm thay đổi diện mạo, nhận thức của người, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Np (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực